Không nên chia sẻ clip nam sinh tự tử
Sau cái chết của nam sinh lớp 10 ở Hà Nội, khiến nhiều người phải suy nghĩ nhất là khi những hình ảnh vi phạm quyền riêng tư của cá nhân được mặc sức chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội.
Theo Zing, có rất nhiều hệ lụy xảy ra khi chúng ta chia sẻ hình ảnh, video về một người chết khi rơi từ trên lầu xuống. Nó gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của những người ở lại, trong khi họ đang phải chịu đựng đau buồn và mất mát quá lớn.
Bên cạnh đó, việc nhìn thấy những video, hình ảnh này còn có ảnh hưởng tiêu cực đến những người dễ bị tổn thương. Nghiên cứu cho thấy những hình ảnh chi tiết thúc đẩy họ suy nghĩ cụ thể hơn về việc tự sát. Bị bao vây bởi những thông tin "chết chóc" thực sự nguy hiểm đối với những người đang có ý định tự tử.
Liên quan đến vấn đề này PGS TS Trần Thành Nam chia sẻ trên báo Thanh Niên, đây không phải là lần đầu chúng ta chứng kiến những câu chuyện đau lòng như vậy. Với học sinh ở lứa tuổi vị thành niên, các em mang tâm lý muốn được người khác chấp nhận và tán thưởng nhưng lại thiếu hụt kỹ năng, nhất là kỹ năng đương đầu với áp lực và vượt qua thất bại để kiên định với mục tiêu cuộc sống của mình. Thêm vào đó, các em mới trải qua một giai đoạn đầy áp lực do dịch bệnh, lại đối diện với tương lai cũng đầy áp lực, kết hợp cùng với tính chất dễ bị tổn thương của lứa tuổi.
Đối với trẻ, sự xung đột của cha mẹ, bị bỏ mặc trong gia đình, không có sự đồng cảm hiểu biết lẫn nhau trong gia đình... đều có thể là giọt nước tràn ly.
Đặc biệt, hiện nay nhiều gia đình chỉ “dạy” mà thiếu “dỗ” thì các em dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. Khi tâm lý nặng nề, dẫn đến trầm cảm, thì việc tìm đến cái chết trở thành sự giải thoát những gánh nặng, cho dù là cách tiêu cực và gây bao đớn đau, dày vò cho những người đang sống.
Trong thực tế cha mẹ sẽ là những người thương yêu con vô điều kiện. Đôi khi sự kỳ vọng thái quá từ cha mẹ “trói” con vào những áp lực vô hình.
Sự việc đau lòng trên khiến nhiều người nhói tim. Bởi vậy cha mẹ hãy trò chuyện thường xuyên để kết nối gia đình gần nhau hơn và hãy để con phát triển toàn diện theo cách tự nhiên nhất.
Dấu hiệu nhận biết con có ý định tự tử
Hầu hết các vụ học sinh tự tử xảy ra trong thời gian qua là kết quả của áp lực của cha mẹ và kỳ vọng cao, không phù hợp với kỹ năng và sở thích của các em. Ngay cả trong những trường hợp, những ý định dại dột vốn không nằm sẵn trong tâm trí của các em, xong áp lực quá mức đến từ cha mẹ và nhà trường đã dẫn đến một số vấn đề tâm lý, biểu hiện trong các giai đoạn khác nhau của lứa tuổi mới lớn đến khi trưởng thành.
Hiện nay, các nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là lo âu, trầm cảm. Lo âu, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên (giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn). Đây là độ tuổi rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường, xã hội do những thay đổi về tâm sinh lý ở lứa tuổi này.
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam phân tích trên Thanh Niên, trên thực tế, phần lớn những người tự tử đều có ý thức và lên kế hoạch một vài lần.
Trẻ có thể có những dấu hiệu trầm cảm như: Thay đổi cách ăn uống và ngủ nghỉ; trốn tránh bạn bè, gia đình, và bỏ những thói quen thường nhật; có hành động cục cằn, thô lỗ hoặc bỏ đi khỏi nhà; cẩu thả trong cách ăn mặc; thay đổi cá tính một cách bất ngờ; thường xuyên chán nản, không tập trung được việc gì, từ chối không đi học; hay phàn nàn về những đau đớn thể xác, thường liên hệ đến sự xúc động, như đau bụng, nhức đầu, mệt mỏi; mất hứng thú về những thú vui cá nhân.
Phụ huynh có thể nhận ra sớm các dấu hiệu như con thỉnh thoảng nói rằng: "Con sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu", hay "Chả có gì quan trọng cả", "Mọi việc đều vô ích thôi", hoặc "Con chả còn gặp ai nữa đâu mà nói"...
Mặt khác, phụ huynh cũng có thể nhận diện qua các hành động khác lạ của con như hành vi tự hủy hoại (như cắt tay, dùng tàn thuốc dí vào tay), nói tạm biệt với gia đình, tìm kiếm những vũ khí hoặc phương tiện độc hại có thể sử dụng để tự tử...
Bí kíp giúp học sinh giảm stress để tập trung học tập
1. Hãy yêu thích công việc mà mình làm, cũng như bài vở mà mình học, như vậy bạn sẽ cảm thấy thú vị hơn và làm việc hiệu quả hơn.
2. Hãy dành một khoảng thời gian vừa đủ để trấn tĩnh lại, xét xem những tác nhân nào gây ức chế cho bạn và loại bỏ nó ngay nhé.
3. Đừng tìm cách làm vừa lòng tất cả mọi người, bạn cần hiểu rằng: Ta không thể nào làm được việc đó.
4. Hãy sống đúng với con người mình, tránh phí phạm năng lực một cách vô ích.
5. Hãy biết làm vui lòng mình và lo nghĩ đến mình bạn nhé.
6. Thỉnh thoảng hãy dành cho mình một không gian riêng thật thanh tịnh và nhìn chăm chút cho nội tâm mình một cách tích cực hơn.
7. Hãy bộc lộ xúc cảm: Hãy nói ra điều mình nghĩ, những điều mình cảm nhận.
8. Muốn tránh dằn vặt, suy tư hãy đối diện với các vấn đề của mình. Đừng hoãn lại hôm sau những gì mình có thể làm được trong ngày hôm nay.
9. Đừng để những thay đổi quan trọng trong cuộc sống xảy ra liên tục trong thời gian quá gần nhau. Những căng thẳng chồng chất sẽ làm bạn không có đủ thời gian để giải quyết.
10. Hãy đối xử thật tốt với bản thân mình bằng cách dành thời giờ để làm những công việc mà mình ưa thích, hoặc đôi khi chỉ đơn giản ngồi mơ mộng vẩn vơ thôi cũng làm bạn phấn chấn hơn nhiều rồi.
11. Mỗi ngày thực hiện hai lần thư giãn (mỗi lần 15 phút).
12. Hãy tập thể dục, hãy làm tiêu hao bớt năng lượng như Hans Sely đã từng nói rằng: “Như ta khi đói thì sẽ ăn ngon miệng hơn, ta cần phải mệt thì mới nghỉ ngơi thoải mái trọn vẹn”.
13. Thỉnh thoảng để xe ở nhà và đi bộ. Khi đi bộ bạn sẽ hoạt động nhiều hơn, được ngắm nghía phố phường và bao nhiêu suy nghĩ, dự định hay ho sẽ xuất hiện trong đầu bạn và thế chỗ cho stress.
14. Đừng hi sinh thời gian nhàn rỗi của mình. Thay vì “rảnh rỗi sinh nông nỗi”, bạn ngồi tự dằn vặt mình, trách cứ người này, người nọ thì hãy làm những công việc thật nhẹ nhàng bổ ích như đọc sách, nói chuyện với bạn bè hay đi dạo với ai đó thì tâm trạng của bạn sẽ sang một trang khác tươi sáng đáng kể.
15. Hãy sống điều độ, dùng thức ăn đầy đủ, dùng bữa và ngủ đủ giấc.
16. Hãy bắt đầu với bữa ăn sáng đầy đủ chất bổ.
17. Hãy mỉm cười với những người xung quanh bạn sẽ thấy tốt hơn.
18. Hít thở thật sâu khi mình cảm thấy bực bội, khi đó bạn sẽ chú ý đến hơi thở của mình và nỗi bực tức sẽ vơi bớt đi.
19. Hãy học cách yêu thương (bằng những cử chỉ âu yếm), tình yêu là liều thuốc an thần tốt nhất.
20. Tránh xa tiếng ồn, đừng xem truyền hình trong khi ăn. Hãy tìm cho mình những giây phút yên lặng và yên tĩnh.
Bổ sung dưỡng chất cho trẻ tránh áp lực học hành
Theo các chuyên gia, không phải đợi đến mùa thi cha mẹ mới bồi bổ mới quan tâm đến sức khỏe của con mà phải thường xuyên chú ý nhắc nhở các bạn rèn luyện cơ thể, sinh hoạt điều độ và ăn uống đủ chất để có được tình trạng dinh dưỡng tốt, có nghĩa là không để bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì.
Ăn uống đầy đủ dưỡng chất tốt sẽ đem lại một sức khỏe dẻo dai, học hành và làm việc lâu mệt, ít buồn ngũ, trí óc minh mẫn sáng suốt và học bài mau thuộc hơn. Để học tập tốt, các em chỉ cần nhớ những điều về dinh dưỡng sau:
Ăn đủ 3 bữa chính kèm thêm 2-3 bữa phụ.
Ăn đa dạng các loại thực phẩm: ngũ cốc nguyên hạt, ăn đủ chất đạm (ít nhất 3 bữa cá trong tuần), ăn thêm các loại hạt nhiều dầu.
Uống 2 ly sữa mỗi ngày.
Ăn đủ rau và trái cây.
Sử dụng muối Iốt thay muối thường để chế biến thức ăn.
Hạn chế các thức ăn ngọt từ đường tinh (nước ngọt, kẹo, thức uống có đường…).
Chú ý vệ sinh ăn uống để không bị bệnh đường tiêu hóa.
Ngủ đủ giấc về đêm.
Không lạm dụng các chất kích thích (trà đặc, cà phê).
Trúc Chi (t/h theo Zing, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tri Thức Trẻ)