LTS: Nhân câu chuyện “học phí” đang được bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đổi tên thành “giá dịch vụ đào tạo”, báo Người Đưa Tin nhận được bài viết đóng góp ý kiến về mô hình giáo dục tư, mà theo tác giả là đang bị chính sách giáo dục bỏ qua...
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
"Có khá ít người quan tâm thật sự hoặc hiểu thật sự về mô hình giáo dục phi lợi nhuận ngoài công lập, đáng tiếc là ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước là bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù đã từng cấp phép thành lập một trường học phi lợi nhuận từ năm 1988, nhưng khi xây dựng chính sách, đã bỏ qua mô hình này.
Giáo dục ngoài công lập đã thiếu hẳn những thiết chế rõ ràng cho việc phát triển giáo dục phi lợi nhuận, thiếu những thiết chế để quản lý các trường học tư, bảo vệ học sinh và gia đình.
Chuyện “giá dịch vụ đào tạo” chỉ nên là chuyện bàn cho vui, nếu đặt trong bối cảnh cụ thể là dự thảo sửa đổi, bổ sung điều 105 của luật Giáo dục, vì khái niệm “học phí” thực ra vẫn còn nguyên ở đó, không mất đi đâu cả.
Nhưng có thứ đáng ngại hơn, tôi nghĩ, đó chính là một chính sách đầy vụ lợi trong phát triển giáo dục ngoài công lập, đến mức, thậm chí điều 66 còn được sửa đổi để đảm bảo “thu nhập của cơ sở giáo dục ngoài công lập được dùng để chi cho các hoạt động của nhà trường, thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước, thiết lập quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác của nhà trường, phần còn lại được phân chia cho các cổ đông theo tỷ lệ vốn góp” (Dự thảo lần 3 của luật Giáo dục, bản trình kỳ họp thứ 5, QH khoá 14).
Trong hệ thống giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay, bên cạnh hệ thống trường công lập, các trường tư thục, ngoài công lập hầu hết đều là trường vì lợi nhuận, thuộc sở hữu của các nhà đầu tư, với mục đích tìm kiếm lợi nhuận từ giáo dục.
Chỉ có rất ít trường phổ thông là các cơ sở giáo dục không vì mục đích lợi nhuận thật sự, ví dụ trường Quốc tế Liên Hợp Quốc hay Lyccé Yersin ở Hà Nội (thực ra, trường Yersin là một dạng bán công lập do Chính phủ Pháp hỗ trợ).
Điều này gần như ngược với khá nhiều quốc gia khác, khi những trường tư hàng đầu, kể cả phổ thông và đại học, đều là các trường không vì mục đích lợi nhuận.
Thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục không vì mục đích lợi nhuận lẽ ra nên được coi là một chính sách quan trọng để phát triển giáo dục ngoài công lập và việc sửa luật Giáo dục lẽ ra nên được coi là dịp để đề xuất chính sách phát triển các cơ sở giáo dục không vì mục đích lợi nhuận, thì lần sửa đổi này, cái được quan tâm lại là khuyến khích các cơ sở giáo dục công lập vì mục đích lợi nhuận.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thực ra không xa lạ với khái niệm hay mô hình này, tháng 6/1988, trường học ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam là trường quốc tế Liên Hợp Quốc được thành lập tại Hà Nội và cho đến nay, đây là cơ sở giáo dục phổ thông duy nhất hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Chúng ta hoàn toàn có thể và nên kỳ vọng bộ Giáo dục và Đào tạo có thể sẽ nghiên cứu nghiêm túc về mô hình trường học của xã hội, không vì lợi nhuận này, cũng như những cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận khác, như hầu hết những trường tư nổi tiếng hệ phổ thông, hay những đại học danh tiếng như Harvard hay Stanford,...
Cá nhân tôi cho rằng, nên có hẳn một chương về các cơ sở giáo dục ngoài công lập không vì mục đích lợi nhuận và thiết kế những ưu đãi lớn, rõ ràng để các cơ sở như vậy có thể phát triển.
Ví dụ có thể miễn thuế với các khoản đóng góp từ khu vực tư nhân để khuyến khích, mở rộng nguồn đóng góp, ví dụ miễn các khoản thuế cho hoạt động của các cơ sở giáo dục phi lợi nhuận, các điều kiện ưu đãi đặc biệt về tiếp cận đất đai,...
Phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập không vì mục đích lợi nhuận, cả trước mắt và lâu dài, là cách thông minh, hiệu quả để san bớt gánh nặng ngân sách sang khu vực tư, thúc đẩy tinh thần đóng góp phi vụ lợi của xã hội cho giáo dục, mở ra nhiều cánh cửa mới mà các cơ sở giáo dục vì lợi nhuận không thể mở.
Các trường học không vì mục đích lợi nhuận cũng cần được quản lý theo những cơ chế riêng phù hợp, với hội đồng tín thác và ban quản lý trường, vai trò, quan hệ sử dụng lao động, quy chế,...cũng rất khác với quy chế công ty ở các cơ sở giáo dục vì lợi nhuận.
Dự thảo luật hiện tại không có những thiết chế, quy định giúp cho những trường học như vậy. Tôi đã không thấy một tư duy như vậy trong bản sửa đổi lần này và nhiều người cũng để tâm đến chuyện “học giá”, hơn là xem kỹ để thấy tinh thần vụ lợi của giáo dục được thể hiện thế nào.
Còn một hy vọng là năm sau Quốc hội mới thông qua luật này, để chúng ta vẫn còn có thể nhen nhúm hy vọng ấy, có thể lấy Nghị quyết 29/NQ-TW của BCHTW Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để làm cơ sở, bởi dự án Luật này cũng có chung cơ sở như vậy,
Nghị quyết này viết “Khuyến khích xã hội hoá để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo....Hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư”.
Phạm Quang Vinh
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả