Câu chuyện về công nghệ giáo dục trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi mà dạo gần đây phụ huynh và công chúng bày tỏ những ý kiến trái chiều về việc nhìn hình đọc thơ.
Sách “Công nghệ Giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại: Cần thay đổi vài chỗ để cho hợp lý hơn
GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp: Sách Tiếng Việt của GS.Hồ Ngọc Đại chỉ là một sự lựa chọn
Bộ GD&ĐT lên tiếng về việc triển khai tài liệu đọc chữ bằng ô vuông, tam giác
Điều đáng nói, một chương trình đã tồn tại gần 40 năm (từ năm 1978), do chính các phụ huynh lựa chọn, chứng kiến thành công của nhiều thế hệ học sinh đã từng được học, nay trở thành tấm bia hứng chịu mọi công kích không nên có.
Có lẽ tôi nên bắt đầu từ những hình vẽ tròn, vuông, tam giác xuất hiện trong những bài thơ được in trong sách Công nghệ giáo dục 1 đang gây tranh cãi thời gian gần đây.
Về phía mình, tôi không quá ngạc nhiên khi xem những clip được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông.
Trước tiên phải hiểu rõ đây không phải là dạy học đọc thơ bằng khối hộp mà là sử dụng những hình khối để minh hoạ bài Tiếng và Từ - một trong những bài học đầu tiên của cuốn sách, cụ thể là bắt đầu từ trang số 05 trong cuốn Công nghệ giáo dục 1.
Để giúp các em học sinh hình dung ra được trong một câu thơ, câu nói có bao nhiêu tiếng, sách Công nghệ giáo dục mới sử dụng các hình vẽ làm vật thay thế. Mỗi hình sẽ tượng trưng cho một tiếng.
Các hình tròn, vuông, tam giác chỉ là thủ thuật sư phạm được sử dụng giống như một trò chơi để các em học sinh không biết chữ cũng có thể biết được. Đồng thời điều đó tạo hứng thú cho trẻ và không khiến trẻ bị nhàm chán khi học chữ.
Việc dùng các hình tròn, vuông, tam giác để minh hoạ cho số lượng tiếng trong câu dễ dàng khiến các em lớp 1 có thể tiếp thu, hình thành trong đầu khái niệm đơn giản nhất về các thành phần của câu. Trẻ nhỏ sẽ nhớ quy tắc có bao nhiêu chữ là có bấy nhiêu tiếng phải được phát ra miệng để không bị nhầm lẫn với chữ cái.
Các bé sẽ học bài học Tiếng và Từ với thời lượng 1-2 tiết. Sau đó, các bé chuyển sang học chữ cái, âm, vần, thanh như bình thường. Chứ không phải là nhìn hình đoán chữ, dạy học sinh học vẹt như những chia sẻ bị bẻ cong trong thời gian gần đây.
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao học sinh lớp 1 lại phải học phân biệt tiếng và vần?
Và tôi đã tìm ra câu trả lời sau khi nghe được sự giải thích của cô giáo Yến – chủ nhân của clip giải nghĩa cách đọc thơ bằng hình "tròn, vuông, tam giác" đang nổi tiếng mấy ngày gần đây: "Các em học sinh lớp 1 học tiếng Việt là để biết cách đặt câu, đọc - viết cũng như giao tiếp với thầy cô, bạn bè. Nếu các bé không xác định được đâu là tiếng, đâu là từ thì sẽ rất khó trong việc tiếp thu kiến thức sau này. Hơn nữa, trong phần chú thích đóng khung cũng đã nêu rõ, những ô vuông này là vật thay thế để các em biết được có bao nhiêu tiếng, theo tôi thấy đây là phương pháp rất hay, phù hợp với học sinh lớp 1 khi nhận thức của các em rất non nớt. Đặc biệt phương pháp này đã giúp trẻ hình thành một tư duy ngôn ngữ chuẩn xác, nói tiếng Việt đúng chuẩn. Đó là thành công".
Lật lại vấn đề, tôi không khỏi băn khoăn khi nghĩ lại năm học 2012 - 2013 với hình ảnh hàng trăm phụ huynh thức thâu đêm để canh suất nộp hồ sơ thậm chí đạp đổ cổng trường để đăng kí cho con em mình học trường thực nghiệm.
Đây cũng là thời điểm cuốn sách Công nghệ giáo dục đã được triển khai giảng dạy hàng chục năm trong trường.
Vậy mà khi năm học 2018 - 2019 mới bắt đầu, một cuốn sách giáo khoa gần 40 năm bình yên nay lại trở thành một cái cớ để đem ra phản biện ồn ào với sự tiêu cực.
Dù đồng tình hay phản đối, chúng ta nên lắng nghe và tập chấp nhận những giá trị mà chúng ta chưa biết đến.
Câu chuyện đổi mới giáo dục, đổi mới sách giáo khoa mới chỉ bắt đầu. Việc lo lắng con em của mình tiếp nhận kiến thức ra sao học tập như thế nào vẫn luôn trở thành mối quan tâm sâu sắc của các bậc phụ huynh dù có hay không am hiểu kiến thức giáo dục.
Và đã đến lúc các bậc phụ huynh hãy vui vẻ để các thầy cô giáo chăm nom bài vở cho con em của mình.
Có lẽ trước khi chia sẻ hay phê phán điều gì chúng ta hãy nên tìm hiểu cặn kẽ cũng như hiểu rõ bản chất của sự việc.
Với tốc độ phát triển internet như hiện nay, một cách hiểu sai khi được lặp lại nhiều lần cùng số đông mơ hồ thì nó sẽ trở thành một điều đương nhiên đúng.
Sự việc ồn ào về vấn đề nhìn hình tròn, vuông, tam giác đọc chữ cũng là một lời đề nghị dư luận nên ở đúng vị trí, đừng lên án giáo viên hay bình luận ác ý với bộ sách Công nghệ giáo dục – một chương trình giáo dục tự chọn và không bắt buộc áp dụng.
Những bình luận vô căn cớ và thiếu thiện cảm không chỉ gây khó khăn với các cô giáo, thầy giáo mà còn là sự ám ảnh mỗi lần cải cách đối với nhiều người tâm huyết làm chương trình.
Yêu một điều không hoàn thiện còn hơn chấp nhận những điều xấu.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.