Quyết định do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký, có hiệu lực kể từ ngày 01/10. Việc ban hành Hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Hướng dẫn đảm bảo tính chủ động, thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực và được áp dụng trên phạm vi toàn quốc trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Tổ chức giao thông theo 4 cấp độ nguy cơ
Theo Hướng dẫn, quy mô đánh giá cấp độ dịch áp dụng trong hoạt động vận tải hành khách là cấp xã và có thể ở quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm.
Về mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng, căn cứ vào tình hình diễn biến dịch tại địa bàn, được chia thành 4 cấp: Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Theo đó, tại các địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (Cấp 4), dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử). Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua thì không được dừng, đỗ.
Các cảng hàng không, ga đường sắt được hoạt động để tiếp nhận hành khách và phải đảm bảo các yêu cầu của Hướng dẫn tạm thời này. Người làm việc tại cảng hàng không có tiếp xúc trực tiếp với tổ bay, hành khách; người làm việc tại ga, trung tâm, trạm vận tải đường sắt có tiếp xúc trực tiếp với lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu, hành khách phải: Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; đã tiêm 01 liều vắc xin sau 03 tuần và phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (07 ngày/lần); không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 06 tháng.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ cao (Cấp 3), các phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện). Riêng đối với đường hàng không áp dụng theo tần suất khai thác của Hướng dẫn tạm thời này.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp (Cấp 1) và trung bình (Cấp 2), các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường.
Đối với hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, tuyến từ bờ ra đảo: tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế;
Đối với hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo): Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; Xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả). Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 01 liều vắc xin sau 03 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 06 tháng.
Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) có nhiều điểm mới so với 2 lần dự thảo trước mà Bộ GTVT. Trong đó nổi bật là quy định về quy mô, mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng. Bên cạnh đó, Hướng dẫn đã có sự thay đổi về quy định đối với hành khách tham gia giao thông trên cơ sở các góp ý của Bộ Y tế.
Các loại hình vận tải hoạt động thế nào?
Đối với hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực, Bộ GTVT yêu cầu các khâu trong quá trình vận chuyển hành khách phải đảm bảo thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế hoặc hướng dẫn của Bộ GTVT.
Điểm mới của Hướng dẫn lần này là đối với 4 lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải đã bỏ việc xây dựng các phương án phân giai đoạn về tần suất khai thác chuyến, thay vào đó căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của các địa phương nơi đi, nơi đến mà quyết định áp dụng tần suất khai thác, số ghế trên phương tiện đảm bảo nguyên tắc theo quy định của Hướng dẫn tạm thời này.
Theo đó, đối với đường bộ, tần suất vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên do Sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định đảm bảo theo nguyên tắc quy định của Hướng dẫn tạm thời này. Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, Sở GTVT hai đầu tuyến tham mưu UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động lại tuyến cố định liên tỉnh.
Đối với hàng không, tần suất khai thác được chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng Hướng dẫn tạm thời này): tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay;
Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1): tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn 11 cách ghế trên tàu bay);
Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2): tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay);
Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới): được khai thác trở lại bình thường.
Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, giai đoạn 2: các đường bay mới, đường bay có tần suất 01 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 01 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.
Căn cứ tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương, trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có cảng hàng không, sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không Việt Nam quyết định điều chỉnh tần suất khai thác theo các giai đoạn.
Trước đó, trả lời Người Đưa Tin, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, việc xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải của 05 lĩnh vực với mục đích chung là khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng bước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn, đồng thời đảm bảo tính kết nối giữa các loại hình vận tải.