Khác với Nghị định 95/2013/NĐ-CP thì Nghị định 28/2020/NĐ-CP ban hành và có hiệu lực từ 15/4/2020 bảo vệ quyền lợi của phụ nữ hơn.
Cụ thể tại nghị định có quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+Không tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ.
+ Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh.
Đồng thời, mức phạt này sẽ tăng lên gấp 2 lần (từ 1 đến 2 triệu đồng) nếu người sử dụng lao động là tổ chức không cho người lao động phụ nữa nghỉ 30 phút trong thời gian hành kinh.
Với những trường hợp không được nghỉ 30 phút/ngày trong thời kỳ hành kinh, lao động nữ sẽ được nhận thêm tiền. Số tiền này được coi là tiền lương làm thêm giờ (Nội dung này chưa từng được đề cập tại bất cứ văn bản nào trước đây).
Dù người sử dụng lao động là cá nhân hay tổ chức thì cũng buộc phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động nếu có hành vi vi phạm quy định này.
Trong đó, tiền lương làm thêm giờ được quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm:
- Vào ngày thường: Ít nhất bằng 150%
- Vào ngày nghỉ hàng tuần: Ít nhất bằng 200%
- Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương: Ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày
Nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương làm việc vào ban đêm thì còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Vì thế, khi Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng này bắt đầu có hiệu lực thì chị em phụ nữ sẽ được ưu tiên hơn trong thời gian hành kinh cũng như đảm bảo quyền lợi của mình hơn.
Hoàng Mai