Các giới luật nêu lên trong Phật giáo Nguyên thủy đòi hỏi người xuất gia phải tuân thủ giới luật, quan trọng nhất là đoạn dục.
Thế nhưng đối với người Bồ-tát (boddhisattva) tức là một "sinh linh Giác ngộ" hành động trong tinh thần từ bi vì lợi ích của người khác, nền đạo đức dành cho họ vượt lên trên khuôn khổ quy định cho người xuất gia nơi chùa chiền và nền đạo đức đó cũng được áp dụng cho người Phật tử tại gia.
Hình ảnh Đức Phật bị các mỹ nữ cám dỗ
Kỷ cương đạo đức đó liên hệ mật thiết đến động cơ thúc đẩy từ bên trong hành động hơn là được áp đặt từ bên ngoài, vì thế nó mang tính cách phóng khoáng hơn tuy rằng vẫn được quy định bởi một số quy tắc rõ rệt nào đó. Tính cách phóng khoáng của giới luật trong một số trường hợp có thể giúp người bồ-tát hành động hữu hiệu hơn vì lợi ích của chúng sinh. Vì thế các quy tắc của Luật Tạng (Vinaya) cũng trở nên rộng rãi hơn đối với họ.
Tánh không của tính dục
Tại Trung Quốc, trong tập kinh Lưới Trời Bhrama có ghi chép giới luật bắt buộc người bồ-tát phải đoạn dục, thế nhưng nếu vi phạm sẽ không bị khai trừ khỏi tăng đoàn mà chỉ cần thú nhận và hối cải thành thực. Kinh về sự Tự do Siêu việt [tức kinh Vimalakirtidesasutra - Duy-ma-cật sở thuyết kinh] của Duy-ma-cật kể chuyện một vị bồ-tát thế tục [không phải là người xuất gia] nêu lên hai tác phong khác nhau đối với thân xác : tránh không bám víu vào thân xác ảo giác nhưng cũng có thể sử dụng nó như một phương tiện giúp người khác nhìn thấy con đường Đạo Pháp, nếu cần có thể lợi dụng cả tính dục trong mục đích đó.
Truyền thuyết thuật lại nhiều giai thoại về các nhà sư "điên rồ" vượt qua ranh giới của các giới luật quy định cho họ
Phật giáo truyền sang Trung quốc cho thấy một khúc quanh mới, nhất là trong Thiền học (Chan). Thiền nhắm vào việc tu tập thực hiện bản chất không thực của dục vọng thay vì chỉ biết dựa vào các giới luật cứng nhắc. Tuy nhiên đấy không có nghĩa là gạt bỏ Luật Tạng (Vinaya) mà chỉ muốn nêu lên sự vận hành của tâm thức quan trọng hơn sự gò bó của chữ nghĩa. Truyền thuyết kể lại nhiều giai thoại về các nhà sư "điên rồ" vuợt qua ranh giới của các giới luật quy định cho họ.
Những hình ảnh "Phật yêu đương" gây tranh cãi
Xin kể ra trường hợp của nhà sư Jigong (khoảng 1127-1209), tên ông có nghĩa là "con người đích thực" (zhenren), người đương thời xem ông là một nhà sư thích say sưa và dâm đãng.
Một nhà sư khác người Triều tiên là Whonhyo (617-686) là một học giả uyên thâm, trước tác rất nhiều tập luận và bình giải kinh điển su-tra, thế nhưng ông không giữ được giới luật và lui tới các khu "ăn chơi", về sau ông hoàn tục cưới một công chúa và sinh được một đứa con trai. Cuối đời ông lang thang rày đây mai đó và truyền bá Phật giáo Tịnh độ của Đức Phật A-Di-Đà.
Tại Nhật bản, các điều khoản trong Luật Tạng (Vinaya) quy định cho người xuất gia không mấy khi được hoàn toàn tôn trọng. Vào thế kỷ thứ IX đại sư Tối Trừng (Saichô, 767-822) người sáng lập ra tông phái Thiên Thai (Tendai) thay thế các điều khoản trong Luật Tạng quy định cho người xuất gia bằng các lời nguyện của người bồ-tát. Và từ đó các nhà sư trong tông phái này không còn tôn trọng chặt chẽ các giới luật trong Luật Tạng nữa.
Thiền học Chan Trung hoa, Đạo Nguyên (Dogen, thế kỷ XIII) khuyên nên đơn giản hóa mười giới luật quy định cho người xuất gia nhưng tuyệt đối phải giữ giới luật đoạn dục như một kỷ cương nơi chùa chiền. Thế nhưng điều khoản ấy không cấm được nhà sư Nhất Hưu (Ikkyu, 1394-1481) hoàn tục, ông là một vị thiền sư rất phóng khoáng, trước tác nhiều bài thơ hài hước mang tính cách dâm đãng đả kích sự kiện đồng tính luyến ái trong các tu viện.
Trong tông phái Tịnh độ, Pháp Nhiên (Honen, 1133-1212) là một nhà sư chân chính nhưng đệ tử của ông là Thân Loan (Shinran, 173-1263) lại là người có gia đình và lập ra một học phái mới là Tịnh độ chân tông (Jodoshin) và các nhà sư trong học phái này đều có gia đình.
Sau cùng dưới triều đại Meiji (1868-1912), các nhà sư bắt buộc phải chọn cuộc sống cố định, do đó họ phải lập gia đình để có người nối dõi gìn giữ chùa chiền do dòng họ xây dựng.
Theo Thư viện Hoa Sen