Từ vụ 6 người tử vong ở Bình Dương, làm gì để sử dụng an toàn máy phát điện?

Từ vụ 6 người tử vong ở Bình Dương, làm gì để sử dụng an toàn máy phát điện?

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 2, 25/07/2022 16:00

Máy phát điện là nguồn năng lượng hiệu quả nếu xảy ra mất điện. Tuy nhiên chúng ta cần sử dụng đúng cách, đúng khuyến cáo để tránh nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Ngày 24/7, tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, lực lượng công an đã phong tỏa hiện trường vụ 6 người tử vong trong căn nhà là một salon tóc và ban đầu xác định được nguyên nhân gây ra vụ việc thương tâm là do ngạt khí CO2.

Theo đó, danh tính các nạn nhân trong vụ việc thương tâm là Lý Quốc P. (47 tuổi), Đỗ Thị T. (37 tuổi), Lý Bảo Kh. (7 tuổi), Lý Quốc Th. (2 tuổi), Đỗ Nguyễn Mỹ L. (15 tuổi), Huỳnh Thúy D. (15 tuổi).

Đời sống - Từ vụ 6 người tử vong ở Bình Dương, làm gì để sử dụng an toàn máy phát điện?
Đời sống - Từ vụ 6 người tử vong ở Bình Dương, làm gì để sử dụng an toàn máy phát điện? (Hình 2).

Máy phát điện để trong căn nhà 6 người tử vong ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng/ báo Lao Động 

Theo nguồn tin từ lực lượng chức năng, tại hiện trường chưa phát hiện dấu hiệu ẩu đả và hình sự. Nghi ngờ ban đầu do mất điện, gia đình sử dụng máy phát điện, khí CO2 hút vào máy lạnh, gia đình lại đóng kín cửa nên có thể mới xảy ra vụ việc thương tâm trên.

Đây không phải là vụ tai nạn tử vong đầu tiên do ngạt khí vì sử dụng máy phát điện. Trước đó đã có rất nhiều trường hợp vì sử dụng máy phát điện trong phòng kín dẫn đến ngạt khí và tử vong.

Một trong số đó là sự việc xảy ra năm 2016 tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội), 4 người tử vong, 2 người bị ngạt khí nặng do sử dụng máy phát điện. Nguyên nhân do mất điện nên 6 người làm thuê cho gia đình đã sử dụng máy phát điện lấy ánh sáng, rồi đóng cửa đi ngủ. Cơ quan điều tra đã xác định nguyên nhân tử vong của các nạn nhân là do ngạt khí CO và CO2 – đây là khí thải của máy phát điện đã khiến họ hít phải gây ngộ độc, dẫn đến tử vong.

Hay vụ 10 người chết, 2 người bị thương tại 1 quán karaoke ở Hải Hà (Quảng Ninh) vào năm 2014. Nguyên nhân cũng tương tự như vụ ngộ độc khí ở huyện Gia Lâm, do trời mưa gió, mất điện nên 4 nhân viên phục vụ quán karaoke đã bật máy phát điện phục vụ 8 người khách. Khi được phát hiện, 6 người đã tử vong tại chỗ, 4 người tử vong tại bệnh viện.

Ngoài những vụ tai nạn kể trên thì còn rất nhiều sự việc đáng tiếc khác. Rõ ràng, việc sử dụng máy phát điện không đúng cách sẽ mang lại nhiều hiểm họa khôn lường.

Về vấn đề này, trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, TS. Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng bộ môn Thiết bị điện, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, máy phát điện chạy bằng xăng hoặc bằng dầu chứa rất nhiều loại khí độc hại như CO và CO2. Đây chính là nguyên nhân chính gây ra ngạt khí có thể dẫn đến tử vong.

Máy phát điện thải ra rất nhiều khí CO2, CO để đốt cháy khí oxy. Khi đốt khí oxy quá nhiều thì khí CO2 và CO sẽ tăng cao trong môi trường. Khi con người hít khí CO nó sẽ liên kết hemoglobin (Hb) trong hồng cầu không cho máu chở khí oxy đi tới những tế bào.

Nếu khí CO2 quá cao so với quy định, chúng sẽ gây ngạt thở khiến nạn nhân đi vào hôn mê và tử vong. Khí CO2 không có màu, không vị, không mùi nên rất khó nhận biết được người có ngộ độc hay không.

Dấu hiệu rõ nhất khi người bị ngộ độc là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ói mửa, khó thở, mờ mắt, lú lẫn. Trong trường hợp này, ngạt khí CO, CO2 được gọi là "cái chết không báo trước" vì nạn nhân không thể có phản xạ thấy ngạt để tự chạy ra ngoài.

Đặc biệt, trong môi trường kín thiếu không khí, khí CO ngăn cản quá trình vận chuyển oxy lên não, gây tổn hại hệ thần kinh, tim mạch của nạn nhân. Biểu hiện của ngạt khí CO lúc đầu nạn nhân có biểu hiện đau đầu, sau đó buồn nôn, choáng váng, khó thở, mệt mỏi, ngất, cuối cùng là mất ý thức. Nếu không được cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy lâu, nhẹ có thể ảnh hưởng đến tri giác do não bị tổn thương, nặng hơn sẽ dẫn đến hôn mê và có thể tử vong.

Do đó, trong trường hợp phát hiện nạn nhân bị ngạt khí, cần nhanh chóng mở cửa để không khí tràn vào, khẩn trương đưa người bệnh ra khỏi nơi có khí độc, nếu người bệnh thở yếu hoặc bất tỉnh cần phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất.

Liên quan đến vấn đề sử dụng máy phát điện, TS. Trần Văn Thịnh khuyến cáo, cần đặt máy phát điện ở nơi thoáng khí. Tuyệt đối không để trong phòng kín, phòng nhỏ chật hẹp. Không được sử dụng máy phát điện cơ động trong gara, nhà để xe, tầng hầm, gầm sàn hoặc ở một nơi khép kín hoặc khép kín một phần, ngay cả khi có thông gió. Chế độ sử dụng tốt nhất là 80% công suất định mức. Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh tay ga vì có thể làm thay đổi tần số và điện phát ra.

Khi mua máy phát điện, để xác định đúng công suất máy cần sử dụng thì phải tính toán sơ bộ những thiết bị sẽ sử dụng nếu mất điện. Tốt nhất là chỉ sử dụng các thiết bị thiết yếu như bóng điện, tủ lạnh, tivi. Không sử dụng máy giặt, bình nóng lạnh, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ… khi chạy điện bằng máy phát. Tính tổng công suất của các thiết bị thiết yếu này thì sẽ ra lượng điện năng cần thiết phải tiêu thụ. Đối với một hộ gia đình bình thường, phù hợp nhất là lựa chọn máy có công suất từ 1 – 1,5W.

Để tránh ồn, nên để máy phát điện ở tầng thượng có mái che, thoáng để tránh tình trạng khói và tiếng ồn gây ra khó chịu cho các thành viên trong gia đình. Tốt nhất là mua máy của các hãng có uy tín, tránh vì ham rẻ mà mua những loại máy không đảm bảo, tiếng ồn lớn và mức tiêu thụ nhiên liệu cao.

Khi vận hành, máy phát điện phải được đặt ở vị trí thoáng, không ẩm ướt. Không đặt máy trong nhà khi vận hành nhằm tránh bị ngộ độc khí thải. Khi lắp đặt máy, nên nối các thiết bị cần sử dụng trực tiếp với nguồn điện của máy phát. Vì như vậy, có thể hạn chế được lượng tải sử dụng không vượt quá công suất của máy, tránh hiện tượng bị quá tải dẫn đến cháy đầu phát điện.

Đồng thời, nhất thiết phải lắp thêm cầu dao đảo nguồn điện hay tủ chuyển nguồn tự động (ATS), tránh cho máy bị "xông điện" khi điện lưới có trở lại đột ngột. Muốn máy chạy êm, tiếng ồn nhỏ, không có khói, nên chọn máy dùng động cơ 4 thì chạy xăng. Máy phát điện dùng động cơ 2 thì có tiếng nổ to hơn và có khói nhiều hơn khi khởi động máy.

Về nhiên liệu xăng, dầu sử dụng cho máy phát điện, đây là loại nhiên liệu dễ cháy nên phải cất giữ cẩn trọng, tránh gây cháy. Trước khi tiếp nhiên liệu cần tắt máy, vì xăng dầu đổ vào động cơ đang nóng có thể gây cháy. Chỉ sử dụng loại nhiên liệu được khuyên dùng theo hướng dẫn sử dụng của từng loại máy phát điện. Một hai tuần nên khởi động lại máy từ 5 - 10 phút dù không sử dụng thường xuyên.

Người sử dụng nên kiểm tra mức dầu máy dùng bôi trơn và nước làm mát sau 50 đến 100 giờ chạy máy đầu tiên. Cùng với đó, kiểm tra sự rò rỉ dầu máy và nguyên liệu, độ căng dây đai quạt gió, thay mới dầu máy và vệ sinh bộ lọc dầu máy. Sau 500 giờ chạy máy, người sử dụng nên kiểm tra và vệ sinh sạch hệ thống làm mát, thay mới dầu máy và vệ sinh thay mới bộ lọc dầu máy. Nắp xăng phải được đậy kín, cần trang bị phòng chống cháy nổ. Không được để xăng dự phòng gần nơi có người qua lại và gần nơi có nguy cơ cháy nổ.

Minh Hoa (t/h theo Sức khỏe & Đời sống, Công Thương) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.