Cần thích nghi với khái niệm mới: Dịch vụ giáo dục.
PV: Trước sự cố đau buồn mới xảy ra ở trường Gateway, với tư cách là Đại biểu HĐND TP Hà Nội, bà cho rằng chúng ta cần phải làm gì?
Đại biểu HĐND Đỗ Thùy Dương: Có lẽ, điều mà mỗi chúng ta cần làm ngay bây giờ và bền bỉ theo đuổi, là góp tiếng nói cho việc đòi hỏi sớm có một điều luật, một đạo luật, chính sách, quy định về những chuẩn mực an toàn trường học, quản trị rủi ro trường học. Đồng thời xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng độc lập cho các vấn đề an toàn trong trường học cũng như chất lượng giáo dục.
Đó là cách để tất cả chúng ta cùng nhau trưởng thành qua những sự cố đau buồn và ngăn chặn để những rủi ro khác không xảy đến cho các em học sinh trong tương lai.
PV: Vậy bà có quan điểm thế nào về sự đa dạng hóa các loại hình trường học?
Đại biểu HĐND Đỗ Thùy Dương: Trong tất cả các kỳ họp của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, tôi luôn đưa ý kiến về việc đa dạng hóa các mô hình đào tạo, mô hình giáo dục. Nhưng tôi thừa nhận rằng, tất cả đều phải có thời gian cho một quá trình. Ưu tiên hiện nay của thành phố là đáp ứng đủ số lượng trường, lớp cho học sinh (Số dân của thành phố mỗi năm tăng lên trung bình bằng số dân của một quận, khoảng 300.000 người – đó không phải là con số dễ giải quyết), song song là các giải pháp mở rộng những cách làm tiên tiến đã chứng minh được chất lượng, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ.
Với tư cách là người tham gia hoạch định chính sách giáo dục địa phương, thì cá nhân tôi không chỉ ủng hộ trường quốc tế, trường có xu hướng hay yếu tố quốc tế, mà tôi ủng hộ cả “home school”, trường “đồi”, trường “núi”, trường “biển”…, miễn là tất cả các trường này có thông tin minh bạch rõ ràng để phụ huynh lựa chọn và trẻ em vui vẻ đến trường, học điều hay, làm việc tốt, được phát triển tối đa các tiềm năng của mình. Tất nhiên, trong môi trường an toàn có kiểm soát.
Nên và cần đa dạng hóa các loại hình trường học. Bởi vì chúng ta có gần 100 triệu dân, thì không thể 100 triệu dân chỉ có cùng 1 lựa chọn được. Điều quan trọng nhất với người làm chính sách là tạo điều kiện để có nhiều lựa chọn nhất có thể, xây dựng chuẩn mực và hệ thống kiểm định, giám sát, đảm bảo những chuẩn mực này được đáp ứng.
Về phía phụ huynh đứng trước rất nhiều lựa chọn, chúng ta cần phụ huynh thông thái, bình tĩnh và bản lĩnh để hợp tác cùng với nhà trường/cơ sở giáo dục cùng hướng tới mục tiêu chung. Còn các nhà trường/cơ sở giáo dục sẽ cần cung cấp thông tin minh bạch, đúng, đủ để phụ huynh chủ động lựa chọn.
Phần lớn phụ huynh, bao gồm cả tôi, khi chọn trường cho con vẫn còn nặng quan tâm về giáo dục (giáo viên, giáo trình, phương pháp giáo dục) còn khái niệm quản trị rủi ro trong trường học có lẽ mới dừng ở cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm…, trong khi cuộc sống ngày càng nhiều thách thức và có những rủi ro khó có thể hình dung trước khi nó xảy tới.
Dịch vụ giáo dục là khái niệm mới và với cái mới thì chúng ta cần chấp nhận một việc cả phụ huynh, cả nhà trường và học sinh đều phải chủ động làm quen, thích ứng với cái mới đấy và đó chính là yêu cầu của thực tế. Tất cả các bên đều phải học cách sống trong môi trường mới.
PV: Thưa bà, TP Hà Nội đã làm gì để phát triển và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục?
Đại biểu HĐND Đỗ Thùy Dương: Hà Nội đã có chủ trương và làm được một số việc. Thứ nhất, là chương trình “song bằng” cho học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông - mà Hà Nội đã lựa chọn những trường tốt nhất để thực hiện, được phụ huynh ủng hộ và đánh giá cao. Đến nay đã triển khai ở 7 trường bao gồm Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ), Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và lớp 6 THCS của THPT chuyên Hà Nội Amsterdam.
Cùng là 1 chương trình, nếu là trường tư thì chi phí rất cao và không ổn định, trong khi tại trường công thì chi phí để học chương trình đấy chỉ là 1 phần.
Tất nhiên, còn có rất nhiều khó khăn, như thầy cô giáo Việt Nam cần thời gian để tiếp cận và dạy chương trình quốc tế (có sự hỗ trợ của giáo viên người nước ngoài). Nhưng đó là nỗ lực để hướng tới sự thay đổi mà tất cả mọi người đều phải cố gắng. Chứ chúng ta không thể hy vọng ai đó soạn sẵn mâm ngon lành rồi mới đưa tay nhận lấy.
Tôi cho rằng cần phải cảm ơn tất cả những người đang tham gia vào chương trình này. Họ là những gia đình mạnh dạn thay đổi, có bản lĩnh và sẵn sàng dành thời gian, ngân sách, nỗ lực đồng hành cùng chủ trương của thành phố tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Tôi hiểu là kết quả tuy còn những hạn chế, nhưng cái gì được thì chúng ta cần ghi nhận.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn đang thúc đẩy mô hình trường phổ thông và mầm non “chất lượng cao” – tạm gọi như vậy vì chưa tìm ra được cách gọi phù hợp hơn. Tức là, có một số trường công lập được trao quyền tự chủ tài chính, nhân sự, tự chủ trong lãnh đạo điều hành. Để cùng với phụ huynh, học sinh, nâng cao chất lượng chương trình và các trường này có thể thu một mức học phí cao hơn một chút dựa trên cơ sở pháp lý là NQ số 14/2016 bổ sung một số điều của NQ 15/2013 trên cơ sở nền tảng là khoản 4 điều 12 Luật Thủ đô. Một trong những điển hình thành công là trường Phan Huy Chú.
Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của nhà trường mới chỉ là thông điệp Marketing thì chúng ta chỉ có những "con buôn" giáo dục
PV: Theo bà, điều cốt lõi của sự hợp tác quốc tế trong giáo dục nói chung là gì?
Đại biểu HĐND Đỗ Thùy Dương: Trên đường phát triển, tìm kiếm những giải pháp mới, sáng tạo và khác biệt chắc chắn sẽ có cả thành công và thử thách. Với hợp tác quốc tế trong giáo dục, thì thách thức luôn đến trước thành công .
Từ quan điểm cá nhân tôi, chúng ta cần có một thị trường giáo dục theo nghĩa, là chúng ta có khả năng xuất khẩu dịch vụ giáo dục, trước mắt là đáp ứng nhu cầu của cộng đồng người nước ngoài sống ở Việt Nam, sau đó là thu hút du học sinh nước ngoài đến Việt Nam.
Tại các quốc gia lân cận như Singapore, Malaysia, Thái Lan, cơ sở đào tạo của các trường quốc tế rất được chào đón, thì tại sao Việt Nam với thế mạnh là du lịch (thực phẩm, phong cảnh, con người và đặc biệt là chi phí sinh hoạt rẻ hơn các quốc gia lân cận) lại không thể có hoạt động giáo dục phù hợp để thu hút du học sinh?
Tất nhiên chưa nhiều người trong số họ đến đây để và/ hoặc có khả năng học tiếng Việt, bởi vậy việc có các chương trình song ngữ hoặc học bằng tiếng Anh, lấy bằng của Anh, Mỹ là rất cần thiết.
Còn để đáp ứng nhu cầu giáo dục trong nước, cá nhân tôi không khuyến khích việc coi giáo dục tư “vị lợi nhuận” là giải pháp thay thế cho giáo dục công. Mà chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để hoạt động giáo dục tư “phi lợi nhuận” được phát triển thuận lợi, để theo đó, những nhà tài trợ cho giáo dục sẽ xuất hiện. Hiện nay, có vẻ giáo dục tư đồng nghĩa với vị lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận rất lớn. Điển hình như KinderWorld International Group (Tập đoàn quốc tế KinderWorld là chủ sở hữu - điều hành kinh doanh trường quốc tế với 15 cơ sở trên cả nước tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Vũng Tàu, Nha Trang, Hà Long và Cần Thơ), mức lợi nhuận báo cáo của họ vượt qua bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác. Với thực trạng đó, chúng ta sẽ chỉ có nhà đầu tư giáo dục và thậm chí là “con buôn” giáo dục.
Theo kinh nghiệm của tôi, những điều tối quan trọng là tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của nhà trường sẽ phản ánh đúng triết lý giáo dục của trường đó, sản phẩm kỳ vọng của trường đó, và những phẩm chất mà nhà trường theo đuổi. Nhưng có vẻ giống như nhiều ngành nghề khác, hiện nay tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi mới chỉ là thông điệp marketing, chứ chưa phát huy thành giá trị thực chất.
PV: Cảm ơn bà về sự thẳng thắn và nội dung trả lời chứa nhiều thông tin hữu ích.
Nguyễn Quốc (thực hiện)