Lợn biến đổi gen - phép thử phản ứng của thị trường
Ngày 5/7/1996, các nhà khoa học tại viện Roslin (Edinburgh, Scotland) đã làm cả thế giới chấn động khi cho ra mắt chú cừu nhân bản vô tính Dolly. Trong khi những tranh cãi về lợi và hại của kỹ thuật "chưa từng có" này còn chưa chấm dứt, thì mới đây, cũng chính đội ngũ các nhà nghiên cứu tại viện này lại trình làng một thành quả khác cũng gây tranh cãi không kém: Những chú lợn biến đổi gen.
Về mặt khoa học, "tác phẩm" lợn biến đổi gen lần này có độ đột phá thấp hơn so với kỹ thuật nhân bản vô tính ở cừu Dolly 17 năm về trước, bởi "biến đổi gen" đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc từ lâu. Nhưng, tham vọng phía sau nó mới là tác nhân thổi bùng lên "những lời qua tiếng lại", không như cừu Dolly chỉ để nghiên cứu, lợn biến đổi gen lần này được tạo ra với mục đích thương mại.
Chúng sẽ được giết mổ và bày bán trong các siêu thị. Điều này một lần nữa làm khuấy động trở lại cuộc tranh luận bất tận bấy lâu nay rằng, liệu con người đã sẵn sàng chấp nhận thực phẩm biến đổi gen.
Phát biểu với báo giới, giáo sư Bruce Whitelaw - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã tạo ra giống lợn có tên "Lợn 26" từ bốn tháng trước, bằng cách sửa bộ gen của một giống lợn bản địa. Trong vài năm gần đây, đàn lợn châu Âu thường xuyên bị dịch sốt có nguồn gốc từ châu Phi tấn công, gây nhiều thiệt hại nặng nề.
Virus gây bệnh sốt lợn châu Phi lây lan mạnh, có thể giết chết một con lợn châu Âu khỏe mạnh chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi nhiễm bệnh. Đây chính là động cơ khiến nhóm của giáo sư Bruce Whitelaw quyết định hành động. Bộ gen của lợn bản địa được thêm bớt, sửa đổi, sắp xếp lại khiến chúng không bao giờ có thể bị nhiễm loại virus đáng sợ kia nữa.
Theo phân loại hiện hành, những chú lợn này thuộc nhóm động vật biến đổi gen. Mà, thị trường và người tiêu dùng có chấp nhận thịt biến đổi gen hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Nếu nhìn vào những gì đã và đang diễn ra với cây trồng biến đổi gen thì tương lai của động vật biến đổi gen trong vai trò làm thực phẩm cho con người thật khó có thể nói trước.
Mặc dù vậy, nhóm của ông vẫn lạc quan tin rằng, thị trường sẽ sớm chấp nhận những loại thực phẩm mới này. Đến nay, khi được 4 tháng tuổi, đàn "lợn 26" này đã gần đến giai đoạn xuất chuồng. Những miếng thịt lợn biến đổi gen đầu tiên trên thế giới sẽ xuất hiện trong các siêu thị vào mùa hè này. Và khi đó, thái độ của người tiêu dùng sẽ quyết định tất cả.
Giáo sư Bruce Whitelaw tin tưởng rằng, tham vọng thương mại hóa thịt biến đổi gen của ông và cộng sự sẽ trở thành hiện thực. Điều này càng có cơ sở khi Chính phủ Mỹ dường như cũng đang dự định cấp phép lưu hành cho cá hồi biến đổi gen Aquabounty trong cùng thời điểm đó.
Đây là giống cá hồi đã biến đổi gen để giúp người nuôi tăng được gấp đôi sản lượng. Nếu cả hai loại thịt - cá này cùng được pháp luật và thị trường chấp nhận, tương lai nhân loại có thể sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn hơn trong bữa ăn của mình.
Tranh cãi pháp lý gay gắt về thực phẩm biến đổi gen
Công bố của giáo sư Bruce Whitelaw đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của các nhà khoa học có quan điểm phản đối thực phẩm biến đổi gen (tên tiếng Anh là Genetically Modified Food - GMF). Những lập luận bác bỏ cây trồng biến đổi gen của họ được lặp lại với động vật biến đổi gen.
Theo đó, các sinh vật biến đổi gen (cả động, thực vật) nói chung đều tiềm ẩn nhiều mối nguy hại chưa thể lường hết được đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái, cần phải có thời gian để nhận diện hết các mặt trái này. Các chuyên gia về an toàn thực phẩm cho rằng, việc đưa "lợn 26" hay cá hồi Aquabounty vào lưu thông là quá vội vàng.
Ở thời điểm này, chúng chỉ nên tồn tại trong phòng thí nghiệm để phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học mà thôi. Cũng cần nhắc lại rằng, do con người chưa từng có tiền lệ sử dụng GMF nên không một tổ chức, cá nhân nào có thể đảm bảo tính an toàn của chúng.
Tiến sĩ Pete Riley thuộc Hội chống biến đổi gen (Anh) cho biết, không thể chắc chắn rằng các sinh vật biến đổi gen sẽ không gây ra các trận dịch bệnh và liệu chúng có tấn công con người hay không. So với các loài động, thực vật truyền thống thì sinh vật biến đổi gen khó kiểm soát hơn nhiều, mà nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là vì con người tuy tạo ra chúng, nhưng lại chưa hiểu hết về chúng.
Ngược lại, những người ủng hộ GMF cho rằng, đã đến lúc con người cần mạnh dạn hơn trong suy nghĩ về loại thực phẩm mới này. Do chỉ can thiệp vào một số gen cụ thể, chẳng hạn như gen miễn dịch với bệnh sốt ở "lợn 26", hay gen tăng trưởng ở cá hồi Aquabounty, nên các động vật biến đổi gen vẫn giữ được gần như nguyên vẹn bộ gen di truyền gốc. Chỉ có xét nghiệm ADN toàn phần mới phân biệt được sự khác biệt nhỏ nhoi này. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, chúng là những thực phẩm an toàn.
Dân số thế giới đang không ngừng tăng lên, trong khi tài nguyên thiên nhiên, đất và nước thì ngày càng cạn kiệt. Nạn đói và thiếu ăn đang ngày một trầm trọng, và nếu được chấp nhận, GMF sẽ góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống đói nghèo hiện tại.
Một đồng nghiệp của giáo sư Bruce Whitelaw ở viện Roslini là giáo sư Helen Sang cho biết thêm, ở góc độ thương mại, khi được thị trường chấp nhận, GMF sẽ tạo ra một ngành sản xuất - kinh doanh mới, có giá trị hàng tỷ USD mỗi năm. Vị chuyên gia về động vật biến đổi gen này cho biết, rất nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đã tỏ ý quan tâm đến đàn "lợn 26" của viện ông.
Chỉ cần Chính phủ Scotland bật đèn xanh cho lưu thông thịt "lợn 26", những con lợn này sẽ cho thấy giá trị thương mại của chúng cao đến mức nào. Theo ước tính của ông, chi phí nhân giống và chăn nuôi giống lợn này thấp hơn ít nhất là 15% so với các giống lợn bản địa, bởi về lý thuyết, chúng sẽ không thể bị nhiễm bệnh. Người chăn nuôi cũng không phải sử dụng thuốc kháng sinh, nên chất lượng thịt cũng được đảm bảo hơn.
Hơn nữa, nếu "lợn 26" được pháp luật và người tiêu dùng chấp nhận, thì sau đó, nhiều loại động vật biến đổi gen như gà biến đổi gen, bò biến đổi gen, dê biến đổi gen... sẽ xuất hiện.
Với các lo ngại về ảnh hưởng đến hệ sinh thái, giáo sư Helen Sang cho biết, các động vật biến đổi gen nhìn chung có tính thân thiện với môi trường rất cao khi việc chăn nuôi chúng không tốn nhiều hơn các tài nguyên thiên nhiên, như đất đai và nước ngọt. Lấy cá hồi biến đổi gen Aquabounty làm ví dụ, sự ra đời của chúng đã góp phần làm giảm số lượng bị đánh bắt trong tự nhiên, từ đó bảo vệ được tính đa dạng sinh học.
Với những tranh cãi mà ai cũng có cái lý của mình như thế này thì xem ra, phán quyết cuối cùng rõ ràng thuộc về phía người tiêu dùng. Đây được xem là một dấu hỏi lớn đầy bất ngờ vì ở đâu cũng có hai luồng quan điểm tán thành và phản đối. Có lẽ phải đợi đến khi những miếng thịt "lợn 26" hay cá hồi Aquabounty xuất hiện trên các kệ của siêu thị, thì tương lai của GMF mới có câu trả lời.
An Mai (Theo Dailymail)