Cần xử lý nghiêm người vi phạm
Sự việc đáng tiếc xảy ra tại huyện Yên Bình đã được chủ tịch UBND tỉnh "chữa cháy" bằng một cuộc đối thoại trực tiếp với các giáo viên trong diện bị sa thải đột ngột và vô lý, PGS có đánh giá như thế nào về sự việc này?
Sự việc đáng tiếc xảy ra ở huyện Yên Bình (Yên Bái) là một sai lầm rất lớn của huyện trong công tác tuyển dụng. Sai lầm này chắc chắn tồn tại rất nhiều tiêu cực. Không thể nói rằng lãnh đạo mà không biết chỉ tiêu đã thừa mà vẫn tuyển dụng. Như thế là tắc trách. Phải tìm cho ra nguyên nhân, xử lý cán bộ vi phạm. Tôi rất đồng tình với việc chủ tịch tỉnh tổ chức cuộc đối thoại và đưa ra những phương án giải quyết thấu tình đạt lý.
PGS.TS Văn Như Cương.
Trong hướng chỉ đạo giải quyết của mình, chủ tịch tỉnh Yên Bái có đưa ra quyết sách bố trí lại công việc cho giáo viên và vẫn được hưởng mọi chế độ ưu đãi. PGS có suy nghĩ gì về hướng giải quyết này?
Lãnh đạo tỉnh đã cố gắng giải quyết từng nơi từng trường hợp cụ thể cho hợp lý, tôi rất tán thành. Tất nhiên không thể phủ nhận việc làm này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ khó khăn cho tỉnh mà còn khó khăn cho chính bản thân những giáo viên nằm trong diện được sửa sai. Bởi bây giờ, họ có thể bị chuyển công tác đi một nơi xa hơn trước đây, hoặc làm công việc không đúng chuyên môn.
Mặc dù khó khăn nhưng lãnh đạo tỉnh kiên quyết làm là một điều đáng mừng. Nó tạo sự yên tâm, thoải mái trong tâm lý giáo viên. Tuy nhiên, bản thân tôi không thực sự đồng tình với một ý nhỏ trong ý kiến của vị chủ tịch tỉnh. Đó là việc ông nói rằng việc tốt nghiệp đại học mà phải đi rửa bát cho các cháu nhỏ ở trên miền núi thì không có gì xấu hổ vì lao động là vinh quang. Lao động là vinh quang, điều ấy hoàn toàn đúng. Nhưng cũng không thể so sánh như vậy được. Người ta có thể không xấu hổ ở công việc rửa bát, nhưng sẽ bức xúc vì được đào tạo chính quy với đầy đủ chuyên môn mà chỉ để làm công việc rửa bát. Nói thế thì "hòa cả làng" và đánh đồng hết mọi thứ. Chúng ta phải làm sao đặt đúng người đúng chỗ để làm việc tốt hơn. Người ta có câu "sử dụng hiền tài" là như thế. Rửa bát không phải là việc xấu nhưng nó dành cho những đối tượng khác. Sử dụng đúng người đúng việc đúng trình độ bao giờ cũng đạt những hiệu quả tốt nhất trong công việc.
PGS có lời khuyên gì dành cho các giáo viên, những nạn nhân trong sự việc đáng tiếc này?
Khi mọi chuyện được làm rõ, người sai sẽ phải chịu hình phạt thích đáng. Cố gắng bố trí người đã nhận vào để họ được hưởng lại chính sách và chế độ cũng là việc nên làm ngay. Đối với những giáo viên, có thể công việc hiện tại có những khó khăn và thiệt thòi đi chút ít nhưng nên trân trọng việc sửa sai của lãnh đạo. Mỗi người thiệt thòi đi một chút để mọi chuyện đều êm đẹp cũng là một việc phải đạo ở đời.
Tuyển dụng công chức vẫn còn nhiều kẽ hở
Nhân vụ việc ở huyện Yên Bình này, PGS có đánh giá như thế nào về công tác quản lý giáo dục ở khâu tuyển dụng giáo viên như hiện nay?
Công tác quản lý giáo dục trong việc tuyển dụng giáo viên hiện nay còn rất nhiều bất cập. Ngay như việc một vị cán bộ thành ủy Hà Nội mới đây có đưa ra ý kiến khẳng định, trong tuyển dụng công chức ở Hà Nội không có chuyện chạy chọt 100 triệu đồng cũng đã nhận được nhiều phản hồi không đồng tình của người dân. Tôi nghĩ rằng nếu không có việc chạy công chức 100 triệu đồng thì không ai tin, nhưng nếu nói có thì lại không có ví dụ cụ thể.
Đối với ngành giáo dục, để vào được một trường THCS, THPT bình thường thì việc bỏ ra 100 triệu đồng chắc chắn sẽ không mua được "vé". Tôi được nghe người ta kể việc chạy chọt thi công chức cho vợ đang là giáo viên THCS. Người này nói rằng, đã phải bỏ ra 150 triệu đồng để lo lót. Mà nếu có vào được thì lương cũng ba cọc ba đồng, không biết đến bao giờ có thể bù lại vốn. Nhưng sự đời nó thế, vẫn cứ phải cày bằng được cho vợ công chức đàng hoàng, mở mày mở mặt với thiên hạ".
Đó chỉ là một trong số nhiều ví dụ mà tôi đã nghe. Nhưng không đưa ra được vật chứng, nhân chứng cụ thể. Tôi cho rằng trong công tác quản lý giáo dục của nước ta hiện nay vẫn chưa quyết tâm chống tham nhũng triệt để.
Phương án để giải quyết cho những bất cập như đã nói ở trên, theo PGS cần chú ý những điểm gì?
Để giải quyết vấn đề này thì rất khó. Hiện nay, cái tư duy nhiệm kỳ vẫn đang tồn tại. Họ nghĩ rằng, tôi chỉ dạy mấy năm nữa là về hưu. Vì thế phải tiêu cực để có khoản sau này. Bên cạnh đó, đời sống giáo viên hiện nay quá khó khăn. Làm sao lương có thể đủ sống để không bao giờ phải nghĩ đến những tiêu cực như thế. Ngoài ra, cơ chế kiểm tra thanh tra của ta hiện nay còn quá lỏng lẻo và nhiều bất cập.
Những việc trên xảy ra rõ ràng cũng có một phần liên quan đến đời sống kinh tế khó khăn, có nhiều kẽ hở trong quản lý. Do đó, phải tăng cường thêm công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với các tỉnh miền núi và đặc biệt khó khăn để mang lại một đời sống kinh tế lành mạnh cho bà con vùng nghèo khó.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Hà Khê - Dương Thu (thực hiện)