Nguồn tin trên báo An ninh Thủ đô, công điện bộ GTVT vừa phát đi nêu rõ, một số tuyến đường đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP loại hợp đồng BOT sau khi đưa vào khai thác, sử dụng đã bị hư hỏng ngay trong giai đoạn bảo hành.
Bộ GTVT và các cơ quan của Bộ đã kiểm tra đôn đốc, nhưng chủ đầu tư, ban QLDA, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, doanh nghiệp quản lý các tuyến đường chưa sửa chữa khắc phục kịp thời các hư hỏng… không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Đồng nghĩa với việc, quan hệ giữa phí sử dụng dịch vụ đường bộ với chất lượng phục vụ chưa tương xứng… gây bức xúc dư luận.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư theo hình thức PPP, các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, quản lý khai thác các tuyến đường bộ (bao gồm cả đường cao tốc) phải tăng cường kiểm tra, phát hiện và sửa chữa kịp thời các hư hỏng trong thời hạn không quá một ngày đối với đường cao tốc và không quá 5 ngày đối với các đường khác.
“Nếu quá thời hạn mà công tác sửa chữa chưa được thực hiện, sửa chữa không đảm bảo yêu cầu chất lượng thì phải dừng thu phí đối với các tuyến đầu tư theo hình thức PPP hoặc báo cáo Bộ GTVT dừng thu phí đối với trường hợp các tuyến được đầu tư theo hình thức khác”, công điện của bộ GTVT nêu rõ.
Trên báo SGGP đăng tải, nếu hư hỏng xảy ra trong những ngày mưa kéo dài liên tục, chưa đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng công tác sửa chữa, các đơn vị liên quan phải báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận phương án sửa chữa bằng các giải pháp tạm thời như sử dụng các vật liệu kết dính tạm thời bằng bê tông nhựa nguội...
Phải đặt hệ thống báo hiệu và có phương án tổ chức giao thông tạm phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông trước và trong quá trình sửa chữa.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải thường xuyên kiểm tra kịp thời yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai thực hiện sửa chữa khi có hư hỏng; đồng thời tăng cường công tác giám sát chất lượng sửa chữa khi có hư hỏng.
Mộc Miên (Tổng hợp)