Trao đổi với PV, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng trường đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cho biết: “Dựa trên phổ điểm của bộ GD&ĐT có thể thấy điểm năm nay cao hơn năm trước. Như vậy, chắc chắn điểm chuẩn của trường, đặc biệt là đối với khối ngành sức khỏe (Điều dưỡng, Xét nghiệm y học, Phục hồi chức năng, Răng hàm mặt) sẽ cao hơn năm ngoái”.
Tại trường đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện nhà trường cho hay, nhóm thí sinh mà trường quan tâm năm nay không phải là nhóm điểm từ 15-20 điểm, thậm chí là 21 điểm. Năm ngoái, các ngành/nhóm ngành KT11 (Kỹ thuật cơ điện tử), KT21 (Kỹ thuật điện tử - truyền thông), KT22 (gồm các ngành Kỹ thuật máy tính, Truyền thông và mạng máy tính, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Công nghệ thông tin) và KT24 (Kỹ thuật Điện - Điện tử, Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa) có mức điểm nhận hồ sơ cao nhất là 7,5 (tương đương điểm 3 môn là 22,5).
Tuy nhiên, năm nay, với mặt bằng điểm cao hơn thì những ngành này điểm nhận hồ sơ có thể lên tới 23, thậm chí là 24 điểm thí sinh mới được nộp hồ sơ.
Trường ĐH Ngoại Thương cũng đã thực hiện phân tích phổ điểm năm 2017 do bộ GD&ĐT công bố và nhận thấy rằng ở ngưỡng điểm từ 8 trở lên số lượng nhiều hơn năm trước. Ở mỗi mức điểm trong khoảng này, số lượng thí sinh đạt được đều tương đối lớn.
Tức là, có thể thấy nếu điều chỉnh một mức điểm lẻ thôi thì đã có số lượng trúng tuyển tăng lên rất nhiều. Do đó, đại diện nhà trường cho biết, dự kiến điểm chuẩn năm 2017 của nhà trường có thể sẽ nhỉnh hơn một chút chứ không quá đột biến so với năm 2016.
Công Luân