Đó là 1 trong 6 điểm mới dự kiến sẽ sửa đổi trong quy chế tuyển sinh năm 2019, do bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT thông tin.
Cũng theo bà Phụng, những dự kiến thay đổi này có căn cứ pháp lý từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2019; căn cứ thực tiễn từ một số nội dung bất cập của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2018.
Giải pháp hạn chế đào tạo tràn lan
Trong bối cảnh năm 2018, ngoài một số trường danh tiếng, có truyền thống về đào tạo ngành y - dược giữ được điểm chuẩn ở mức cao, thì không ít trường có đào tạo ngành này với điểm chuẩn khá thấp. Điều này khiến dư luận lo ngại về chất lượng đội ngũ y - bác sĩ tương lai và kiến nghị cơ quan quản lý cần có giải pháp để siết chặt chất lượng đào tạo với khối ngành này.
Trao đổi về điểm mới này, PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT đánh giá: "Sư phạm và sức khỏe là hai ngành quan trọng, người có sức khỏe mà không có trí tuệ thì không làm được việc, còn người có trí tuệ mà không có sức khỏe cũng không thể cống hiến được hết mình. Việc đưa ra những điều kiện phục vụ tuyển sinh nhằm lựa chọn sinh viên có lợi thế với thực tế là đúng. Bởi vì, những sinh viên đăng ký khối ngành sức khỏe, tương lai sẽ trở thành những người trực tiếp chăm sóc sức khỏe con người, cũng là một công việc hết sức vất vả, cần được tuyển chọn thật kỹ".
Tuy nhiên, PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ cũng cảnh báo: "Muốn thực hiện được, bộ GD&ĐT nên có một cuộc kiểm nghiệm thực tế, với những khảo sát nhất định, có số liệu thống kê cụ thể về số lượng học sinh, dự toán tỷ lệ học sinh có kết quả tổng kết lớp 12 là giỏi đăng ký dự tuyển ngành là bao nhiêu. Từ đó, đưa ra điểm sàn phù hợp nhất. Không nên để tình trạng "tràn lan" như mấy năm trước, cũng không nên hạn chế quá. Nếu hạn chế quá, các trường có thể sẽ lại đứng trước nguy cơ khan hiếm, không đủ sinh viên".
"Năm 2019 dự kiến là năm đầu tiên áp dụng quy định trên với khối ngành sức khỏe, chưa thể đo lường được diễn biến, kết quả tuyển sinh, vì vậy, cần có sự tính toán cẩn thận để tránh tình trạng trục trặc về số lượng, không đủ sinh viên, dẫn đến phải điều chỉnh đi, điều chỉnh lại một cách rườm rà", ông nhấn mạnh.
GS. TS. Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cũng cho rằng: "Để tuyển sinh vào các trường y dược, thì cần xét tuyển học sinh giỏi, nếu không thì phải thi. Nhưng điểm tổng kết xếp loại giỏi ở phổ thông nhiều khi cũng chưa đáng tin hết, có thể xảy ra tiêu cực "thành tích" tại các trường phổ thông".
Theo ông, đây cũng sẽ là một giải pháp giữ được chất lượng đào tạo đội ngũ y - bác sỹ tương lai: "Hiện tại, có quá nhiều sinh viên theo trung cấp trình độ rất kém, sau khi ra trường, học liên thông lên cao đẳng hay thậm chí đại học, thực chất chạy chọt để nâng giá trị bằng, nhưng trình độ vẫn không thay đổi. Nếu đổi mới quy chế tuyển sinh, ưu tiên cho những người giỏi hơn, nâng cao được chất lượng đầu vào thì sẽ tiến tới đảm bảo khung chất lượng đầu ra".
Cần tiêu chuẩn chung cho các trường đào tạo khối ngành
GS. TS. Trương Việt Bình cho biết: "Các trường ngoài công lập đa phần "nới lỏng" quy chế tuyển sinh, dẫn đến chất lượng đầu vào bị bỏ bê. Có trường cao đẳng về y dược vừa thành lập đã tuyển sinh “bạt mạng”, vài nghìn học sinh, quá trình đào tạo thì chất lượng kém, có khi một tháng chỉ học vài buổi. Bên cạnh đó còn có những cơ sở đào tạo không thực chất, liên kết với các trường trung cấp ở ngay tại Thủ đô, phân nhiều tầng khác nhau, khó quản lý. Thực trạng trên rất nguy hiểm, khi ra trường, đội ngũ kém trình độ chuyên môn đó có thể là mối nguy hại cho sức khỏe của người bệnh".
Ông khẳng định: "Vì vậy, tất cả các trường có đào tạo khối ngành sức khỏe nên theo một chuẩn chung thì tốt hơn".
Đồng quan điểm đó, PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng: "Theo tôi, không chỉ đối với các trường công lập có đào tạo khối ngành sức khỏe, mà cả các trường ngoài công lập cũng không được tự ý hạ điểm sàn, dẫn đến tình trạng chênh lệch trình độ quá nhiều. Bộ GD&ĐT nên xây dựng những tiêu chí cụ thể để các trường công lập và ngoài công lập cùng áp dụng theo, để vấn đề chất lượng đảm bảo giống nhau".
Quy chế tuyển sinh 2019 dự kiến sửa đổi, bổ sung 6 điểm sau:
Đầu tiên, các trường có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia phải thực hiện tất cả các bước của quy trình xét tuyển.
Thứ 2, phải cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp.
Thứ 3, đối với quân nhân dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại nơi có sự thay đổi chính sách ưu tiên theo khu vực thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn.
Thứ 4, với nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề: Căn cứ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển; xét tuyển học sinh tốt nghiệp có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.
Thứ 5, các trường phải tiếp nhận và lưu bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh.
Thứ 6, thí sinh đã xác định nhập học thì không được tham gia xét tuyển các trường khác/đợt tiếp theo.
Cẩm Mịch