Những năm gần đây, điểm chuẩn của ngành sư phạm tăng dần qua từng năm, thể hiện sự quan tâm của thí sinh đối với nhóm ngành này, tuy nhiên với sự thay đổi của Chương trình GDPT mới, đa dạng cách thức xét tuyển các em vẫn cần nghiên cứu kỹ ngôi trường đào tạo phù hợp.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, năm 2024, nhà trường cơ bản giữ nguyên các nội dung của công tác tuyển sinh năm 2023.
Mặc dù không có sự thay đổi, tuy nhiên, ông Tuân vẫn đưa ra một số lưu ý đối với thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào trường nay.
“Thí sinh bám sát kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và các mốc trong kế hoạch tuyển sinh của trường. Cùng với đó, nghiên cứu kỹ Đề án tuyển sinh để chọn ngành học phù hợp nhất với năng lực, sở thích của bản thân và quan tâm đến vị trí việc làm sau tốt nghiệp, cơ hội phát triển của nghề nghiệp trong tương lai”, ông Tuân bày tỏ.
Đặc biệt, nghiên cứu điểm chuẩn và các tổ hợp xét tuyển các ngành tuyển sinh và đào tạo của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong 3 năm gần nhất để khi lựa chọn ngành xét tuyển có cơ hội trúng tuyển cao.
Đối với các ngành liên quan đến dạy học tích hợp liên môn, đáp ứng nhu cầu của xã hội, của các trường phổ thông và trước yêu cầu về đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình GDPT 2018, năm 2024 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã triển khai xây dựng hoàn thiện và đang trình Bộ GD&ĐT xem xét cho phép đào tạo ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên trình độ đại học chính quy. Năm 2025 nhà trường tiếp tục triển khai và trình Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phép đào tạo ngành sư phạm Lịch sử - Địa lý.
Ngoài các nhóm ngành sư phạm truyền thống, nhà trường cũng có thêm ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng để tăng thêm lựa chọn cho thí sinh.
Về chương trình đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân cho biết: “Chương trình được xây dựng định hướng, tiệm cận các module của chương trình FIATA (Liên đoàn các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế). Người học có cơ hội vừa lấy bằng đại học, vừa lấy các chứng chỉ quốc tế về giao nhận vận tải do fiata cấp.
Ngoài ra, trường tham gia hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam nên rất có lợi thế trong việc hợp tác phát triển với các hiệp hội, doanh nghiệp logistics tạo cơ hội học tập và làm việc cho các em sinh viên”.
Cũng là cơ sở giáo dục được nhiều thí sinh chọn ngành sư phạm quan tâm, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội năm nay dự kiến tuyển sinh 1.150 chỉ tiêu. Trong đó, 500 chỉ tiêu đào tạo sư phạm và 650 chỉ tiêu ngoài sư phạm.
Đối với ngành sư phạm nhiều thí sinh rất băn khoăn về các ngành dạy liên môn và đơn môn theo Chương trình GDPT 2018, tư vấn cho thí sinh, PGS.TS Mai Văn Hưng - Trưởng bộ môn Sư phạm KHTN Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết mặc dù thí sinh được đào tạo chương trình cũ vẫn có thể theo học ngành sư phạm và giảng dạy được chương trình hiện hành.
“Nhà trường sẽ có cách tiếp cận mới, giảng dạy các học phần mới, nội dung mới vì vậy thí sinh vào không quá lo lắng và sẽ được hỗ trợ từ phía các thầy cô giáo”, ông Mai Văn Hưng bày tỏ.
Cùng với đó, theo ông Hưng chương trình đào tạo sẽ đảm bảo cho các em vừa dạy được đơn môn, vừa dạy được liên môn.
“Ngay năm thứ nhất các em sẽ được học tất cả các môn học về Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội như là cung cấp các kiến thức nâng cao sau đó đi vào từng chuyên ngành cụ thể. Từ đó giúp người học sẽ có kiến thức nền tảng và chuyên sâu, khi tích hợp nội dung môn nào thì các em sẽ thuận lợi, tự tin khi đã có đầy đủ kiến thức giảng dạy sư phạm”, ông Hưng cho hay.
Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).
Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.