Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa kỳ thi tuyển sinh vào 10 Hà Nội sẽ được diễn ra, thời điểm này học sinh các trường đã trải qua các đợt thi thử và dần định hướng nguyện vọng cho bản thân.
Năm học 2023 - 2024, trên 40% học sinh sẽ theo học các loại hình trường dân lập, trung tâm GDNN-GDTX và trường nghề.
Có con năm nay thi vào 10, chị Phương Thảo (Hàng Bột, Hà Nội) đã quyết định chọn trường dân lập có liên kết với Nhật Bản là một trong những nguyện vọng cho con.
“Năm nay tỉ lệ chọi cao, nếu kỳ vọng đỗ vào trường công sẽ gây áp lực cho các con. Sau khi tìm hiểu tôi thấy có rất nhiều trường đào tạo hướng nghiệp, giúp có nghề ngay sau khi tốt nghiệp”, chị Thảo cho hay.
Ngoài ra, vị phụ huynh cho rằng, chính bản thân học sinh và gia đình có thể nắm rõ lực học của bản thân và có sự lựa chọn phù hợp, không nên bị phân tán bởi nhiều luồng ý kiến.
Là phụ huynh có con học lớp 9 tại trường THCS trên địa bàn phường Láng Hạ, chị Minh Ngọc chia sẻ: “Ngoài trường công lập, học sinh có rất nhiều cơ hội khác lựa chọn. Tôi thấy nhiều trường dân lập có điểm số và cạnh tranh cao hơn trường công lập. Bản thân gia đình đã trao đổi với cô giáo cũng như theo dõi điểm số của con cũng có thể tự đánh giá lực học và đăng ký nguyện vọng phù hợp”.
Theo số liệu năm 2022, nhiều trường THPT tại Hà Nội có mức điểm chuẩn trên 40 điểm. Với mức điểm chuẩn này, tại 1 số trường THPT, nếu không có điểm ưu tiên thì kể cả đạt mức điểm giỏi là 8 điểm/môn, các thí sinh vẫn trượt.
Điển hình điểm của một số trường như: THPT Chu Văn An: 43,25 điểm, THPT Yên Hòa: 42,25 điểm, THPT Phan Đình Phùng: 42 điểm, THPT Nguyễn Thị Minh Khai 41,75 điểm, THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông 41,75 điểm , THPT Việt Đức 41,75 điểm, THPT Nguyễn Gia Thiều 41,75 điểm, THPT Thăng Long 41,5 điểm,...
Và đây cũng thuộc những trường có tỉ lệ chọi cao khi theo thống kê năm 2022 Trường THPT Yên Hòa có tỉ lệ chọi cao nhất là 3,03 (trong số hơn 3 thí sinh sẽ có 1 thí sinh đỗ); tiếp theo đó là Trường THPT Chu Văn An 2,87; THPT Sơn Tây 2,7; Trường THPT Nhân Chính là 2,53; Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông là 2,51; Trường THPT Mỹ Đình là 2,49.
Về việc phân luồng học sinh hiện nay, trao đổi với Người Đưa Tin, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, kỳ thi vào lớp 10 là một kỳ thi quan trọng để mỗi học sinh có thể đánh giá được năng lực, sở trường của mình. Và căn cứ vào bài đánh giá này sẽ là cơ sở để các em chọn vào trường phù hợp, dù là công lập, dân lập hay trường nghề.
“Việc phân luồng học sinh sau THCS là điều bắt buộc phải làm nhưng hiện nay chúng ta làm chưa được chu đáo. Theo Chương trình GDPT 2018, sau khi học hết lớp 9 các em sẽ được định hướng nghề nghiệp để chọn môn và chọn ngành nên việc chuẩn bị kiến thức cho giáo viên THCS nắm được việc này rất quan trọng. Chúng ta mới định hướng chung nhưng phải làm từng lớp một, từng học sinh một thì định hướng mới đúng”, ông Lâm nêu quan điểm.
Các thầy cô nên động viên học sinh tham gia thi để các em có thể khai thác hết khả năng và sự quyết tâm của mình. Đây cũng là cơ hội để các em được thử thách bản thân nhưng cũng thể hiện quyền chính đáng của học sinh.
Qua khảo sát trước đó của Người Đưa Tin, hiện nay các Trung tâm GDNN-GDTX luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu chỉ tiêu mặc dù đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh.
Theo các vị đại diện, khi vừa học vừa làm học sinh sẽ được đào tạo nghề và có lương ngay trong quá trình học với mức học phí thấp.
“Tâm lý chung của phụ huynh thường muốn học cao đẳng, các trường trung cấp đã khó tuyển sinh chưa nói gì đến các trung tâm GDTX mặc dù học phí ở đây rẻ hơn rất nhiều các cơ sở đào tạo khác”, ông Đinh Kim Hùng – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Đống Đa bày tỏ.
Trung tâm GDNN-GDTX Nguyễn Văn Tố, Hoàn Kiếm hiện nay trung tâm này đang giảng dạy khoảng 400 học viên ở các khối khác nhau, theo vị đại diện chia sẻ gần 7 năm nay trung tâm chưa bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu là 180 học viên. Số lượng học sinh phân luồng ở top dưới trên địa bàn Hoàn Kiếm chỉ lấy khoảng được 3 trường.