Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của đất nước Đông Âu ở mức 4,5 tỷ USD (3,6 tỷ Bảng Anh) mỗi tuần, theo ước tính do Trường Kinh tế Kyiv (KSE) thực hiện với sự giúp đỡ của Chính phủ Ukraine.
Theo KSE, tổng thiệt hại trực tiếp về cơ sở hạ tầng đã lên tới 92 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát thành hành động quân sự hồi cuối tháng 2.
Các học giả cho biết, con số này đã tăng thêm gần 4,5 tỷ USD trong tuần tính đến ngày 2/5, đồng thời lưu ý rằng ước tính của họ có thể thấp hơn con số thực tế vì khó có thể định lượng được thiệt hại trên thực địa.
Với việc tổng thiệt hại do cuộc xung đột gây ra đã tăng lên thành khoảng 60% sản lượng kinh tế hàng năm, các học giả cho biết, Ukraine đang phải chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng và sẽ tốn kém rất nhiều tiền của mới có thể sửa chữa hoặc xây dựng lại được.
KSE cho biết dự án của họ dựa trên phân tích hàng nghìn báo cáo về thiệt hại do cuộc xung đột gây ra, đã được người dân, các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương thực hiện.
Ước tính sơ bộ cho thấy phần lớn thiệt hại về cơ sở hạ tầng là liên quan đến sự tàn phá của bom mìn đối với các tòa nhà, đường xá, nhà máy và doanh nghiệp, dựa trên một dự án dữ liệu nguồn mở theo dõi chiến phí.
Cụ thể, hơn 33.000 m2 nhà dân đã bị trúng tên lửa, bom và hứng chịu các thiệt hại khác trong giao tranh, với tổng giá trị thiệt hại lên tới gần 30 tỷ USD. Hơn 23.000 km đường đã bị xé toạc hoặc in hằn vết tích từ các đợt pháo kích, và gần 90.000 ô tô, trị giá hàng tỷ USD cộng lại, đã bị hư hỏng.
KSE cho biết, tổng thiệt hại kinh tế do cuộc xung đột gây ra cho Ukraine - bao gồm thiệt hại về cơ sở hạ tầng cùng với tác động lên GDP, sự gián đoạn trong các hoạt động đầu tư, sự thất thoát về lực lượng lao động khi người dân phải chạy trốn khỏi đất nước - có thể tăng lên thành 600 tỷ USD, gấp gần 4 lần giá trị của GDP hàng năm của đất nước.
Ngân hàng Thế giới (WB) hồi giữa tháng 4 đã công bố ước tính thiệt hại về cơ sở hạ tầng của Ukraine ở mức khoảng 60 tỷ USD và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo rằng nền kinh tế Ukraine có thể sẽ giảm khoảng 35% trong năm nay, trong khi thiệt hại về nhân mạng, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và việc di cư của người lao động sẽ cản trở đà phục hồi của nền kinh tế nước này trong nhiều năm tới, ngay cả khi xung đột kết thúc sớm.
IMF đã cung cấp 1,4 tỷ USD tài chính khẩn cấp để giúp đáp ứng nhu cầu chi tiêu tức thời của Ukraine, trong khi WB đang huy động hỗ trợ tài chính trị giá khoảng 2,5 tỷ USD cho quốc gia Đông Âu này.
Minh Đức (Theo The Guardian)