Lo lắng bị khóa SIM
Ghi nhận của Người Đưa Tin trong ngày 18/3, lượng khách đến giao dịch tại cửa hàng Mobifone trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, Tp.HCM luôn trong tình trạng quá tải. Anh Lê Giang, 29 tuổi cho biết: “Tôi đến lúc 10h30, số thứ tự là 5.208 và phải chờ hơn 3 tiếng đồng hồ mới đến lượt giao dịch”.
Do lượng khách quá đông nên phòng giao dịch cử nhóm nhân viên đứng ở cửa hỏi nhu cầu từng khách. Những khách hàng cần chuẩn hoá thông tin thuê bao như nhập thông tin căn cước công dân cho số điện thoại thì sẽ được nhân viên hướng dẫn thực hiện trực tiếp tại ứng dụng, website, mã QR.
Trường hợp khách nào cần đăng ký lại thông tin chính chủ thuê bao thì mới thực hiện trực tiếp tại quầy giao dịch.
Một nhân viên tại đây cho biết, kể từ khi có thông tin sau ngày 31/3 sẽ khoá thuê bao nếu không chuẩn hoá thông tin cá nhân, lượng khách đến giao dịch tại cửa hàng tăng đột biến, ngày nào cũng khoảng 400-500 lượt khách đến giao dịch, tăng gấp 5-6 lần so với ngày thường.
“Thường 20h hàng ngày cửa hàng ngưng nhận khách, nhưng ngày 14/3 phải đến 22h mới xử lý hết các giao dịch của khách”, nhân viên này nói.
Tại nhiều cửa hàng của các nhà mạng khác như Viettel, Vinaphone cũng trong tình trạng đông đúc. Phần lớn người dân đồng tình với phương án rà soát thông tin thuê bao nhằm giải quyết tình trạng người dân phải nhận những cuộc gọi không mong muốn từ SIM rác.
Tuy nhiên, nhiều chủ thuê bao cũng lo lắng về “số phận” chiếc SIM gắn liền với công việc của mình sẽ ra sao sau ngày 31/3.
Anh Nguyễn Văn Tiến, ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cho biết anh có một SIM điện thoại dùng từ năm 2015 đã đăng ký chính chủ. Tuy nhiên, mới đây anh đăng nhập vào ứng dụng riêng của nhà mạng Vinaphone thì phát hiện chủ thuê bao lại là tên người khác.
“Tôi tiến hành thay đổi thông tin trên ứng dụng nhưng hệ thống báo phải ra quầy giao dịch. Khi ra quầy, nhân viên lại thông báo phải tìm được người đăng ký chính chủ trước đó để nhờ họ chuyển nhượng SIM. Mà từ năm 2015 tới nay, tôi biết đó là ai mà tìm. Tại sao trước đó cùng là SIM này nhưng tôi vẫn đăng ký chính chủ thành công? Sau ngày 31/3, các giấy tờ ngân hàng, chứng khoán, các ví điện tử đang dùng SIM này sẽ ra sao?”, anh Tiến lo lắng.
Chị Minh Thư, ngụ quận 3, Tp.HCM cũng có 2 SIM đều đăng ký chính chủ nhưng chỉ một SIM là đăng ký đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, điều này khiến chị lo lắng SIM còn lại sẽ bị khóa sau ngày 31/3
Trong khi đó, nhiều người cho biết đã nhận được không ít cuộc gọi, tin nhắn của nhà mạng yêu cầu chuẩn hóa thông tin để đảm bảo quyền lợi.
Nhà mạng nỗ lực hỗ trợ khách hàng
Các nhà mạng cũng cho biết việc khóa các thuê bao không cập nhật thông tin sắp tới sẽ ảnh hưởng lớn đến một lượng lớn khách hàng.
Về số lượng thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin, đại diện Viettel cho biết còn khoảng 1,3 triệu thuê bao. Tương tự, nhà mạng VinaPhone còn 1,1 triệu thuê bao. MobiFone thông tin còn hơn 1 triệu thuê bao.
Tuy nhiên, tính đến ngày 14/3, đại diện các nhà mạng cũng khẳng định tới nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác. Bởi các con số này liên tục thay đổi trong quá trình cập nhật qua lại với các cơ quan phụ trách cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại Bộ Công an.
Hiện các nhà mạng vẫn đang chạy đua thực hiện các biện pháp cả kỹ thuật, công nghệ và thủ công nhằm giúp người dân chuẩn hóa dữ liệu cá nhân.
Tuy vậy, việc chuẩn hóa này trên thực tế còn nhiều khó khăn và thách thức. Đơn cử theo nhà mạng Viettel, trước đây dù nhà mạng đã gửi tin nhắn 5 ngày liên tiếp nhưng tỉ lệ phản hồi của chủ thuê bao rất ít.
Đại diện nhà mạng Viettel cho biết, ngoài gửi tin nhắn theo đúng quy định, nhà mạng có nhiều giải pháp hỗ trợ về chuẩn hóa thông tin như: Qua ứng dụng di động, qua tổng đài hỗ trợ, qua các nền tảng website để khách hàng có thể chuẩn hóa online, nhân viên địa bàn hỗ trợ trực tiếp với khách hàng.
Tương tự,nhà mạng VinaPhone cũng cho biết đã triển khai ba cách giúp người dùng cập nhật: Qua ứng dụng, qua website và tại các quầy giao dịch của nhà mạng. Nhà mạng cũng gửi tin nhắn được cá thể hóa theo từng thuê bao để người dùng nắm thông tin và bổ sung.
VinaPhone cũng nhìn nhận rất có thể việc quá tải cục bộ sẽ xảy ra tại một số nơi, nhất là vào thời điểm gần ngày bị khóa thuê bao vào ngày 30/3.
Do đó, đơn vị này “đã có các phương án dự phòng bố trí, bổ sung nhân sự tại các điểm giao dịch để hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất”.
Nhà mạng MobiFone thông tin các khách hàng chưa chuẩn hóa thông tin sẽ nhận được tin nhắn từ MobiFone để tiến hành chuẩn hóa theo một trong 4 cách: Đến cửa hàng MobiFone nơi gần nhất (mang theo CMND/CCCD để giao dịch viên hỗ trợ tại quầy; qua app My MobiFone; qua website https://tttb.mobifone.vn/ (khách hàng trả trước cá nhân thuộc tệp không trùng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 15/3); nhân viên đến hỗ trợ tại nhà đối với các khách hàng đặc thù, người lớn tuổi…
Cẩn thận cuộc gọi lừa đảo
Thời điểm các cửa hàng của các nhà mạng quá tải khách, nhiều đối tượng đã giả mạo tổng đài thông báo SIM bị khoá, yêu cầu chủ thuê bao cung cấp thông tin cá nhân để chuẩn hoá thông tin thuê bao nhằm chiếm đoạt SIM.
Chị Thu Trang, ngụ quận 6, Tp.HCM kể, vài ngày trở lại đây chị liên tục nhận được cuộc gọi bằng đầu số cá nhân nhưng hiển thị tên “DVVT_Saigon”, “TTFcskh” đề nghị chị cung cấp thông tin căn cước công dân, các số điện thoại liên hệ gần nhất, soạn tin nhắn theo cú pháp mà đối tượng gửi… nếu không thực hiện sẽ bị khóa SIM.
Một số khách hàng khác thì nhận được cuộc gọi yêu cầu nhấp vào các đường link mà đối tượng cung cấp để chuẩn hoá thông tin thuê bao.
Theo ông Phạm Hoàng Bảo, Trưởng phòng An toàn thông tin, Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena, trong quá trình thực hiện chuẩn hoá thông tin thuê bao lần này sẽ không tránh khỏi các đối tượng tiếp tục sử dụng chiêu thức lừa đảo.
Thực tế khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn thông báo “khoá thuê bao” thì người dùng dễ bị tác động tâm lý và dễ thực hiện theo yêu cầu của đối tượng. Do đó khi nhận được cuộc gọi, khách hàng nên bình tĩnh xác minh lại bằng cách gọi lên số tổng đài nhà mạng hoặc đến trực tiếp các quầy giao dịch để được hướng dẫn.
Đồng thời, theo các nhà mạng, người dùng nên tự kiểm tra xem số điện thoại của mình đã chuẩn hoá thông tin cá nhân chưa bằng cách soạn cú pháp “TTTB” gửi 1414 để kiểm tra thông tin. Sau khi gửi tin nhắn, người dùng sẽ nhận phản hồi từ tổng đài với đầy đủ thông tin bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD của chủ thuê bao.
“Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, họ tên của mình cho các cuộc gọi lạ hoặc các đường link lạ để tránh bị chiếm đoạt SIM và tiền trong tài khoản”, ông Phạm Hoàng Bảo nói.