Với tỉ lệ sống chỉ 9% trong năm qua, ung thư tuyến tụy được xem là một trong những hình thức nguy hiểm nhất của ung thư. Tình trạng bệnh diễn biến phức tạp, các triệu chứng không rõ ràng và xảy ra nhanh chóng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Để hạn chế tình trạng trên, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Washington đã phát triển thành công BiliScreen, một ứng dụng có khả năng phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư tuyến tụy thông qua phần tròng trắng của mắt.
Các nhà phát triển đã sử dụng thuật toán computer vision và các công cụ máy học để phát hiện các ánh vàng trong tròng trắng của mắt, đây là sự tích tụ của một chất hóa học được gọi là bilirubin - chỉ số dùng để phát hiện ung thư tuyến tụy và một số căn bệnh khác.
Không giống như các xét nghiệm máu thông thường, BiliScreen phát hiện được nồng độ bilirubin trước khi phần ánh vàng trong mắt có thể thấy bằng mắt thường, tức là giúp phát hiện căn bệnh sớm hơn.
Để tăng khả năng phát hiện, các nhà khoa học đã sử dụng kính giấy và một khối hộp in 3D. Nghiên cứu ban đầu được thử nghiệm trên 70 người, cho độ chính xác gần 89,7% so với các phương thức trước đây.
Jim Taylor, một nhà nghiên cứu về dự án cho biết: “Ung thư tuyến tụy là một căn bệnh khủng khiếp, mục tiêu của chúng tôi là giúp nhiều người có thể vượt qua được căn bệnh này bằng cách phát hiện sớm các dấu hiệu, thực hiện phẫu thuật để tăng cơ hội sống sót”.
Bạn đọc quan tâm có thể xem thêm đoạn video mô tả tại địa chỉ bên dưới:
Theo PL.HCM