Ngày 6/4, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận bệnh nhân N.C.K. (56 tuổi, Phú Thọ) trong tình trạng lơ mơ, nôn nhiều. Bệnh nhân được chuyển vào khoa Cấp cứu.
Trước đó, ông K. uống cồn sát khuẩn 90 độ. Sau đó, mắt bệnh nhân không nhìn thấy gì, khó thở, được người nhà đưa đến bệnh viện để cấp cứu.
Người bệnh ngay lập tức được các bác sĩ Khoa Cấp cứu truyền kiềm, cho dùng ethanol 20% đường uống, lọc máu cấp cứu.
Sau các biện pháp điều trị tích cực, hiện tại người bệnh đã tỉnh, huyết động ổn định, tổn thương não, kết quả chụp MRI cho thấy sọ não bị hoại tử nhân bèo hai bên, mất thị lực hai mắt.
Theo khuyến cáo của Ths.Bs Hà Thị Bích Vân - Trưởng khoa Cấp cứu: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cồn sát khuẩn giả, thành phần chủ yếu là methanol, có rất ít hoặc không có ethanol.
Người dân cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng các loại cồn sát khuẩn, đặc biệt là không được uống. Nếu không may uống phải, người dân cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại các di chứng gây tổn hại sức khỏe.
Trước đó, một nam bệnh nhân L.V.N., 42 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương được chuyển từ bệnh viện Đa khoa tỉnh đến Bạch Mai cấp cứu vì uống nhầm cồn y tế chứa methanol.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, methanol không có tác dụng sát trùng. Hàm lượng ethanol trong chai cồn không đạt hoặc không có sẽ không thể tiêu diệt vi trùng, không thể bảo vệ bệnh nhân trước nguy cơ dịch bệnh, nhiễm trùng sau phẫu thuật, vết thương và tiêm truyền.
Hơn nữa, loại cồn này khi bôi trên da có nguy cơ ngấm trực tiếp qua da vào máu có thể gây nhiễm độc, hậu quả ngộ độc giống như khi uống mathanol.
"Nếu người dân và cơ sở y tế mua phải loại cồn này để sát trùng thì rất nguy hiểm, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 như hiện nay", BS Nguyên cảnh báo.
Phong Linh