Câu hỏi đó, chẳng khác nào như hỏi: Âm nhạc là gì? Rất nhiều người trong chúng ta nghe nhạc, dường như nghe mỗi ngày, nhưng liệu có ai hỏi: Âm nhạc là gì? Cũng tương tự như vậy, có rất nhiều người trong chúng ta từng sống với văn chương, từng tiếp xúc với văn chương, nhưng có ai tự hỏi: Văn chương là gì?
Văn chương là gì? Câu hỏi này, xuất hiện trong đầu tôi, nhiều khi, nhưng không phải là từ sớm. Phải đến khi 35 tuổi, thời điểm vừa học xong chương trình đại học, chuyên ngành sáng tác văn chương (sáng tác văn học), tôi mới thức nhận và tự hỏi mình. Đương nhiên, khi một cái gì đó quá gần gũi và thân thuộc với chúng ta, đến mức chúng ta tiếp cận nó mỗi ngày, như văn chương, như âm nhạc, như không khí, thì dường như chúng ta chẳng khi nào đặc định một ý niệm (hay là một niệm thức) về sự hiện hữu của nó.
Từ ngày còn bé tí tẹo, mỗi người đều được mẹ ru những lời ru, hát những bài hát, khi dỗ dành mình ngủ. Văn chương nằm ở đó. Âm nhạc nằm ở đó. Nhưng vì còn quá bé, và chưa được học hành, nên chúng ta không có ý thức (thức niệm) về điều đó. Những câu ca, những lời hát, những khúc hát ru, chính là văn chương.
Khi lớn hơn tí, chúng ta vào trường học, được tiếp xúc với chương trình giảng dạy tại các trường học, thì “mô đun” về văn chương được nâng cao hơn, thông qua những bài thơ, những câu chuyện. Sự tiếp xúc này, tùy vào thời kỳ (thời đại) khác nhau, mà diễn tiếp nhận của mỗi cá nhân là khác nhau. Như cá nhân tôi, phải đến khi đi học tiểu học, thì tôi mới có cơ hội đó (những tác phẩm dành cho thiếu nhi, trong sách giáo khoa).
Giờ nghĩ lại, về quá khứ, tôi thấy sự thiệt thòi rất lớn, khi suốt hơn mười hai năm học (từ khi vào mẫu giáo cho đến hết mười hai, và thậm chí vào năm nhất đại học) không được tiếp cận với bất cứ mỗi văn bản văn chương nào khác, ngoài những tác phẩm (trích dẫn tác phẩm) trong sách giáo khoa.
Trở lại với chủ đề chính: Văn chương là gì? Bạn thấy đó, văn chương chính là những gì vừa gần gũi nhất (như những lời hát ru), nhưng đồng thời cũng là những gì xa cách (như chương trình học tập, nếu bạn không được học). Nghĩa là, văn chương vừa có tính bình dân, vừa có tính hàn lâm. Nhìn một cách tổng thể nhất, văn chương chính là những tác phẩm thành văn và không thành văn, mà ở đó, ngôn ngữ (nghệ thuật ngôn từ) đóng vai trò chủ đạo. Nhưng liệu văn chương chỉ là yếu tố ngôn ngữ? Cũng như âm nhạc vậy, không phải âm thanh nào cũng là âm nhạc. Nên đương nhiên, không phải ngôn ngữ nào cũng là văn chương. Khi ngôn ngữ mang trên mình một sự “đẹp đẽ” nhất định, cái mà ta đặc định là “mỹ học ngôn từ”, thì ngôn ngữ đó mới là văn chương/ tiệm cận văn chương.
Trong bài viết này, tôi không chỉ muốn đi đến một vấn đề vừa dễ vừa khó, là định nghĩa: Văn chương là gì? Cái tôi muốn đề cập sâu hơn, là sự phân định (minh định) văn chương (tầm vóc và giá trị của văn chương). Cũng giống như âm nhạc, có âm nhạc bình dân, âm nhạc đường phố, âm nhạc bác học. Văn chương cũng có những đặc thù phân tầng như vậy.
Mỗi người theo đuổi con đường sáng tác chuyên nghiệp (hoặc nghiên cứu chuyên nghiệp), những người “có chuyên môn”, ắt hẳn có một “thức niệm” riêng về văn chương. Riêng cá nhân tôi, văn chương được chia ra làm bốn cấp bậc, từ thấp đến cao.
Ở cấp bậc thấp nhất, là văn chương được sáng tác theo hướng cá nhân hóa (những sáng tác mang tính thuần túy cá nhân, nghĩ gì viết nấy, cho thỏa mãn cái sự “ham muốn sáng tác” của mình), những vấn đề trong sáng tác này chủ yếu là những cảm xúc cá nhân (như yêu hay ghét). Những văn bản tác phẩm có thể trọn vẹn là một tác phẩm, hoặc có thể chỉ là những “lời nói tủn mủn” – chưa thành hình hài một tác phẩm hoàn chỉnh. Ở mức độ này, gần như người Việt nào cũng là “nhà sáng tác”, bởi gần như bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể viết lên “đôi câu ba sợi” nào đó. Ở cái sự “sáng tác” này, người “sáng tác” chỉ biết sáng tác thôi, không có bất kỳ sự “sáng tạo nghệ thuật” nào trong đó cả. Ví dụ đơn giản nhất, là ông A (hay bà B) nào đó muốn làm thơ, cứ thế, theo bản năng (và những gì được tiếp nhận trước đó) là sáng tác thơ. Trong cái sự sáng tác đó, không có bất cứ một sự tìm tòi sáng tạo nghệ thuật nào. Sự sáng tác đó, thuần túy để “giải khuây”. Ở cấp bậc sáng tác này, không mang tính “chuyên nghiệp”. Sáng tác tùy hứng, và rất nhiều “tác phẩm” trong số đó không phải là “tác phẩm văn chương hoàn chỉnh”.
Ở bậc tiếp theo, là loại hình văn chương phản ánh hiện thực xã hội. Khi người sáng tác ý thức được “những vấn đề xã hội” và muốn cất lên tiếng nói. Đây là những sáng tác của những người ít nhiều biết nhận thức được cái sự viết của mình: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Nhưng những gì tác giả thể hiện, cũng chỉ là những vấn đề mang tính thức thời, những bề nổi của xã hội. Nó không mang tính trầm tích văn hóa, không có chiều sâu tư tưởng. Kiểu sáng tác này, mang nặng tính hợp thời, hợp vấn đề. Ở thể loại văn chương này, có lẽ, những ai có năng khiếu thực sự, và có ít nhiều vốn hiểu biết xã hội (cũng như dày dạn trải nghiệm cuộc sống), đều có thể viết được. Những sáng tác ở đây là những tác phẩm hoàn chỉnh, ít nhiều được sử dụng/đăng tải trên báo/tạp chí, những trang báo mang nặng tính “bám sát thực tế”, nặng tính truyền thông, tuyên truyền đường lối chính sách. Mà theo quan sát của tôi, rất nhiều người trong chúng ta sáng tác ở “ngưỡng” này. Trong đó có tôi!
Ở một cấp bậc cao hơn xíu, là những sáng tác mang đậm dấu ấn văn hóa. Những tác phẩm này, có chiều sâu văn hóa, tác giả tạo ra cho người đọc có được một “thức cảm” về một vùng/miền nào đó. Dấu ấn văn hóa đó, có thể là không gian đô thị, hoặc không gian nông thôn (tùy vùng miền cụ thể). So với hai cấp bậc sáng tác trước, ở cấp bậc này, đòi hỏi người sáng tác phải là một người “có học” thực sự. Nghĩa là, một người có am hiểu sâu sắc về văn hóa, và loại hình ngôn ngữ mình sáng tác. Những sáng tác của họ, khơi gợi “những điểm nhìn tham chiếu” – những góc nhìn khác nhau về văn hóa. Ví như đời sống vùng đó như nào, ngôn ngữ như nào, thói quen – tập tính con người như nào, lề lối – nếp nghĩ – cách ăn ở như nào. Để đạt được mức độ sáng tác này, người sáng tác đồng thời còn là một “nhà văn hóa”, sự am tường về xã hội không chỉ là cái “mắt thấy tai nghe”, “nhãn tiền”, mà còn có hiểu biết sâu rộng về địa lý, lịch sự, quá trình phát triển – diễn tiến biến đổi của một cộng đồng người (một xã hội đặc thù). Đôi khi, những vấn đề trong tác phẩm còn mang tính trầm tích ngàn năm, tâm thức cộng đồng đặc thù. Một người, khi sáng tác ra được những tác phẩm mang đậm “dấu ấn văn hóa” rõ nét, thì ở người đó (tác phẩm đó) đã đạt được một “ngưỡng” – “trình độ” cao, trong sáng tác nghệ thuật.
Và cấp bậc cao nhất, với quan điểm của tôi, là tác phẩm văn chương giàu chất triết học. Trong âm nhạc, giao hưởng thính phòng là thể loại nhạc đỉnh cao nhất, ở đó, âm nhạc là âm nhạc thuần túy (cái thuần túy ở đây là sự kết hợp tài tình những loại nhạc cụ khác nhau để tạo nên những nhạc phẩm phi thường). Với văn chương, một tác phẩm văn chương lớn phải là một tác phẩm có tầm vóc tư tưởng lớn (tư tưởng lớn mang tính phổ quát cao, nó là gí trị chung mang tính nhân loại, chứ không phải vùng/miền nào).
Muốn sáng tác được những tác phẩm lớn (có tầm tư tưởng khái quát lớn), đòi hỏi người sáng tác phải có tri thức đông tây kim cổ, phải am tường các trường phái tư tưởng lớn của nhân loại, phải có kiến văn sâu rộng về triết học, lịch sử, xã hội, văn hóa, vân vân. Nói chung, để sáng tác được loại hình văn chương này, người sáng tác phải có tri thức lớp lang hệ thống mang tính hàn lâm uyên bác (nghĩa là cái sự/tự học phải lớn). Khi đạt được mức độ sáng tác này, người sáng tác là nhà văn/thơ, đồng thời còn là một triết gia, một nhà tư tưởng lớn.
Vậy, văn chương chính là những gì rất gần gũi với cuộc sống, như những lời ca tiếng hát (những tác phẩm tự sáng tác mang đậm tính cảm hứng cá nhân), nhưng văn chương cũng là những gì rất xa cách (những tác phẩm mang tính khai sáng về tư tưởng, khi nhà văn/thơ đồng thời là một triết gia, một nhà tư tưởng). Và khi nhìn lại mình, đối chiếu vào những cấp bậc đó (theo cách “định giá” của cá nhân tôi), tôi biết mình đang ở mức độ nào, và muốn kiến tạo sự nghiệp đến mức độ nào. Và đương nhiên, mọi sự còn tùy thuộc vào khả năng thực lực của tôi nữa!...
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả