Thực trạng về vấn đề bản quyền, quyền tác giả tại Việt Nam
Vào ngày 9/8, tại Hội trường Nhiếp ảnh Tp.HCM đã diễn ra Hội thảo quốc gia thường niên về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hội thảo được phối hợp tổ chức bởi Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Viện Triết học Phát triển, Viện Những vấn đề phát triển và Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức.
Về thực trạng vấn đề bản quyền, quyền tác giả tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề bảo vệ bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu.
Khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế và tiến hành mở cửa thị trường, việc tuân thủ các quy định về bản quyền không chỉ là yêu cầu từ phía các đối tác quốc tế mà còn là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ nền sáng tạo trong nước.
Theo đánh giá sơ bộ, hiện nay ở Việt Nam, các tổ chức xã hội, cơ quan quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nghiên cứu còn nhận thức rất hạn chế về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Để có một bức tranh so sánh tổng quan với thế giới về sự hạn chế này, chúng ta hãy xem cấu trúc tài sản của 500 doanh nghiệp có giá trị thị trường lớn nhất thế giới.
Xét về tỷ lệ giá trị tài sản trí tuệ trên tổng giá trị tài sản của 500 doanh nghiệp có giá trị thị trường lớn nhất thế giới, con số về tỷ lệ này đã tăng từ 17% vào năm 1975 lên 90% vào năm 2020.
Nói một cách đơn giản để dễ hình dung tuy có phần khập khiễng, sự nhân thức về vai trò của lĩnh vực tài sản trí tuệ trong tổng giá trị tài sản của 500 doanh nghiệp này đã tăng lên trên 5 lần từ năm 1975 đến nay.
Và tại thời điểm năm 2020, tất cả mọi lý thuyết truyền thống từ quản trị sản xuất, quản trị chất lượng, quản trị kênh phân phối, quản trị rủi ro, quản trị nhân sự, chiến lược kinh doanh, marketing, logistics,… đa số đều thuộc về nhóm quản trị tài sản phi trí tuệ hay tài sản hữu hình.
Trong khi các tài sản phi trí tuệ hay hữu hình này chỉ nhằm vào giải quyết 10% tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp nói trên. Họ đang tập trung 9/10 sức lực vào giải quyết lĩnh vực tài sản trí tuệ hay tài sản vô hình của doanh nghiệp của mình để thích nghi với trạng thái mới của sự phát triển.
Khi nền kinh tế chuyển sang kinh tế tri thức, hàm lượng tri thức ngày càng phát triển khổng lồ theo cấp số nhân không thể được quản trị theo cách truyền thống. Ngành quản trị tài sản trí tuệ của thế giới đã ra đời trong bối cảnh và theo cách như vậy.
Tuy nhiên, đến nay, ở đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, tại Việt Nam, sự nhận thức về xác lập quyền sở hữu tài sản trí tuệ và xử lý sai phạm khi có sự sao chép tài sản trí tuệ vẫn còn rất ít người thực sự quan tâm đúng mức trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ, hành vi xâm phạm tác quyền còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường mà nổi cộm là tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng công nghệ số với lối mòn suy nghĩ rằng sử dụng sản phẩm sao chép, đạo nhái, vi phạm bản quyền là việc bình thường...
Thực trạng này không những đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu tác phẩm, mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài đối với công cuộc phát triển nguồn lực của đất nước, cản trở quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Sánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cho biết: “Hiện tượng vi phạm bản quyền thế giới, đặc biệt là sao chép tác phẩm tự do đang diễn ra một cách công khai ở nước ta đã thành vấn nạn từ nhiều năm nay. Không chỉ các cơ quan chức năng đau đầu, mà các tổ chức thế giới cũng đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ xâm phạm bản quyền ở top cao.
Tình trạng này chẳng những đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của tác giả mà còn gây ra những hệ lụy lâu dài về ý thức và trách nhiệm đối với sản phẩm trí tuệ của nhân loại sẽ tạo nên một thế hệ ăn cắp chất xám của người khác”.
Khó khăn cần vượt qua
Tại hội thảo, vấn đề vi phạm bản quyền về các tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm nhiếp ảnh diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, vấn đề xử lý vi phạm lại rất ít được những người có trách nhiệm quan tâm. Khi chủ sở hữu lên tiếng thì những tổ chức cá nhân vi phạm lại cố tình né tránh trách nhiệm.
Ông Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Tp.HCM cho biết, tác quyền trong nhiếp ảnh được pháp luật bảo vệ nhưng thực tế là khi tác giả bị xâm phạm bản quyền là rất ít khi được bảo vệ. Tình trạng này đang tạo ra một tiền lệ xấu mà những người bị vi phạm bản quyền lại không biết gọi hỗ trợ từ đâu. Một vấn đề nan giải khác là cần giải pháp trong vấn đề xử lý khi phát hiện vi phạm.
Theo ông Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Tp.HCM cho biết, hiện nay chưa có một công cụ nào được coi là tiêu chuẩn trong vấn đề truy quét, phát hiện một cách chủ động các hoạt động vi phạm trên không gian mạng liên quan đến hình ảnh hay liên quan đến các lĩnh vực khác nói chung.
"Nhằm siết chặt hơn về tác quyền các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, điều chỉnh các văn bản dưới luật cho đồng bộ, phù hợp và phủ rộng ở cả 12 ngành công nghiệp văn hóa đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện", ông Trung cho biết.