Trong lời mở đầu, Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh nhận định: Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử VN, đã để lại hậu quả đau thương nhất. Với nghị lực phi thường của nhân dân VN và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đất nước ta đã vượt mọi khó khăn để hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển.
Từ năm 1987, các nhà văn Việt Nam và các nhà văn cựu binh Mỹ qua các hoạt động giao lưu của mình đã chọn văn hóa là con đường ngắn nhất để hàn gắn, góp phần thiết lập quan hệ giữa hai quốc gia và “Chỉ trong một ngày biến kẻ thù đối mặt nhau thành bạn bè vĩnh viễn”.
Ca ngợi các nhà văn Việt Nam là những người đầu tiên dũng cảm đem văn học Việt Nam đến với nước Mỹ, Tiến sĩ, nhà thơ Mỹ Kevin Bowen đã ôn lại những năm tháng khó khăn khi mời các nhà văn Việt Nam: Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Lê Minh Khuê, Đỗ Chu… đến với Trung tâm William Joiner, đại học Massachusetts, Boston (Mỹ) để giao lưu với các nhà văn cựu binh Mỹ.
“Chúng tôi đã trở thành những nhà văn tốt hơn trong quá trình giao lưu, tiếp xúc và dịch tác phẩm của các nhà văn Việt Nam”, Kevin Bowen cho biết.
Nói về hành trình của trung tâm William Joiner được hình thành bởi nhóm cựu binh ở đại học Massachusetts, nhà thơ Kevin Bowen chia sẻ: “Chúng tôi mắc nợ Việt Nam rất nhiều và các nhà văn của họ. Sự rộng lượng của họ luôn làm tôi kinh ngạc. Sự dũng cảm, cởi mở, kiên nhẫn, tử tế luôn là nền tảng cho sự hợp tác của chúng tôi. Chúng ta đã vượt qua sự ngăn cách của chiến tranh, ngôn ngữ, đại dương và văn học đã kết nối chúng ta.
Ngày nay, chúng ta sống trong một thời đại mà các thế lực và lực lượng khác nhau đang tìm cách chia rẽ thế giới một lần nữa. Công việc đối thoại, trao đổi, dịch thuật, mở rộng trái tim chúng ta, ngôi nhà của chúng ta cho những người khác có thể là nguy hiểm hơn trước đây. May mắn là chúng tôi có nhiều bạn bè. Và, chúng tôi có Việt Nam. Việt Nam đã trở nên một nơi giống như để hành hương…”.
Chia sẻ với các nhà văn Việt Nam, Tiến sĩ, Viện trưởng Thomas T.Kane cho rằng: Trung tâm William Joiner và các nhà văn, hai nước đã làm việc hết mình trong tiến trình hòa giải và hàn gắn các vết thương tinh thần trong mối quan hệ giao lưu văn thơ giữa các nhà văn cựu binh hai nước.
Với vẻ xúc động, nhà thơ cựu binh Mỹ Bruce Weigl cho biết: “Tất cả chúng ta gặp nhau lần đầu tiên trong trận chiến, khi đó hầu hết chúng ta là những đứa con trai hồn nhiên. Vào thời đó, chúng ta chỉ muốn tống khứ nhau đi; bạn muốn chúng tôi cút khỏi đất nước các bạn, và chúng tôi muốn về nhà. Đến giờ, sự liên hệ văn chương, được tiên phong bởi hội Nhà văn Việt Nam đã kết nối chúng ta và sức mạnh của ngôn từ đã nâng chúng ta lên khỏi thảm kịch của loài người. Và, nếu như Chính phủ chưa hành động thì các nhà văn phải hành động để hợp tác, hàn gắn các vết thương chiến tranh…”.
Tiếp lời nhà văn Mỹ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam kể lại câu chuyện: Thời gian cựu binh Bruce Weigl ở chiến trường Khe Sanh, trong buổi dạo chơi ra ngoài tiền đồn, chắc là để làm thơ, ông bất ngờ đối mặt với một người du kích, họ đường đột trông thấy nhau, mặc dù trong tay vẫn cầm súng nhưng họ không bắn, và mỗi người hoảng hốt bỏ chạy về một phía.
“Chắc ông du kích nông dân Việt đoán biết rằng Bruce Weigl sau này sẽ trở thành nhà thơ Mỹ nổi danh, nên ông đã không bắn và cứu cho nước Mỹ một nhà thơ cựu binh sau này được thực thi công việc hòa giải giữa hai bên”, Trần Đăng Khoa dí dỏm nhận xét trong sự tán thưởng của các nhà văn.
Trong bài viết về nhà thơ Mỹ Bruce Weigl, thần đồng thơ Việt - Trần Đăng Khoa đã xúc động kể lại lần gặp gỡ đầu tiên như sau:
“Ngay từ sáng sớm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã bảo tôi :
- Ông dậy chuẩn bị tiếp khách quý nhé. Bruce sẽ tới ngay bây giờ đấy!
Nhưng rồi, phải đến nhá nhem tối, Bruce mới xuất hiện. Anh là một nhà thơ lớn, nổi tiếng của Mỹ. Bạn trẻ Mỹ yêu thơ ca, dường như ai cũng biết Bruce. Trong hàng loạt đơn thư gửi đến trung tâm William Joiner xin dự lớp sáng tác mùa hè do trung tâm tổ chức, nhiều học viên đề thẳng nguyện vọng: "Tôi muốn học ông Bruce". "Đề nghị cho tôi được vào lớp ông Bruce".
Tôi biết Bruce qua nhà văn Lê Lựu. Trong cuốn bút ký Trở lại nước Mỹ, Lê Lựu viết khá nhiều về Bruce. Nhờ đó, tôi biết Bruce là người Mỹ rất yêu Việt Nam. Mãi đến dịp hè vừa rồi, nhân hội thảo văn học Việt - Mỹ, tôi mới có dịp được gặp con người danh tiếng ấy.
Đó là một người đàn ông to lớn, kềnh càng. Trông anh đúng như những gã phi công Mỹ mà tôi hình dung từ ngày còn thơ ấu. Chỉ khác, anh rất hiền, gương mặt hóm hỉnh, có phần tếu tếu như những chú hề xiếc. Anh chỉ vào ngực mình, tự giới thiệu :
- Tôi là anh em của Lê Lựu!
Và rồi, cũng đúng như tác phong Lê Lựu, anh ngồi xoà vào cái bàn ăn lõng bõng những nước. Mặt bàn ngổn ngang xương gà và cọng rau. Bữa tiệc đã tàn. Thức ăn nguội ngắt cả. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tỏ ra băn khoăn: "Để tôi đun lại nhé!".
- Thôi, không cần. - Bruce phẩy tay. - Có nước mắm không?
Tôi kinh ngạc thấy anh hỏi nước mắm. Thường người nước ngoài, họ chỉ ăn magi hoặc xì dầu, không ăn nước mắm. Mùi nước mắm dễ làm họ sợ.
- Nhưng tôi thì lại mê nước mắm. - Bruce tâm sự. - Tôi nghiện nước mắm đấy. Có một lần, nhà thơ Hữu Thỉnh chiêu đãi chúng tôi. Không biết do cao hứng thế nào, ông ấy lại nhầm, tưởng rượu màu. Thế là ông ấy rót la liệt ra mấy cốc vại. Tôi biết ngay là nước mắm. Các bạn tôi cũng thế. Biết vì cái mùi rất hung hãn của nó. Nhưng, chúng tôi lại tưởng đó là phong tục, tập quán của người Việt miền Bắc. Nghĩa là trước khi uống rượu, cứ phải húp... nước mắm. Và thế là chúng tôi bịt mũi, nhắm mắt, tu một mạch hết một... cốc vại.
Bruce nhìn tôi cười. Rồi anh nghiêng nghiêng bên tai bị điếc do vết thương chiến tranh ở Việt Nam. Thỉnh thoảng, anh lại chỉ vào cái tai điếc có lắp một ống nghe trắng đục nhỏ bằng ngón tay út: "Ông nói gì thì nói to to một chút. Ông Lựu ông ấy bắn tôi đấy!
Về câu chuyện xảy ra ở Khe Sanh, Trần Đăng Khoa đã hỏi Bruce như thế này: “ Tôi hỏi thực Bruce nhé! Hồi ở Việt Nam, anh có giết người không?
- Không, không bao giờ ! - Bruce lắc đầu. - Tôi là lính thông tin. Công việc của tôi là sửa chữa điện đài, máy móc điện tử. Cũng có một lần, chỉ duy nhất một lần tôi đụng Việt cộng. Lần ấy, tôi đóng quân trong một cái làng nhỏ gần Khe Sanh. Làng xanh om cây trái. Trông thơ mộng lắm. Thế là tôi xách súng đi vãng cảnh. Bất ngờ, từ hẻm ngõ xanh um tre chuối, nhô ra một người đàn ông vận quần cộc, tay lăm lăm khẩu súng. Vập phải tôi, ông ta sững lại. Tôi cũng đờ người ra. Chúng tôi cùng nhìn nhau. Rồi cả hai cùng chết đứng trong một giây lát. Và rồi rất nhanh, tôi co cẳng chạy. Ông ta cũng... co cẳng chạy. Mỗi thằng chạy dạt về một phía.
Bruce cười khục khục. Tôi cũng phì cười :
- Có lẽ, ông du kích của chúng tôi biết anh là một thi sĩ nên không bắn đấy!
- Nếu thế thì ông ấy quả là một thầy bói giỏi. Lúc đó, tôi chưa hề làm thơ”.
Cũng tại hội thảo về giao lưu văn học Việt - Mỹ nói trên, khi nói về những ám ảnh chiến tranh, nhà văn Lê Minh Khuê cho biết trong thời gian ở Trường Sơn, bà sợ nhất những lính Mỹ trên máy bay trực thăng bắn súng máy và rocket xuống đường mòn. Sau này, trong đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm Mỹ, bà đã được tiếp xúc với một số người lính ấy và ở trong ngôi nhà của nhà văn Kevin Bowen, bà thấy những người đàn ông cựu binh Mỹ rất tình cảm, họ luôn chăm sóc, thương yêu vợ con và quan tâm đến các nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam cho biết, ông và con gái đã nỗ lực hết sức trong hơn một tháng để chuyển ngữ cuốn sách dày gần 400 trang “Những người đi qua biển” với các bài viết của nhiều nhà văn Việt - Mỹ cho cuộc hội thảo này.
Tại cuộc hội thảo 30 năm giao lưu văn học Việt-Mỹ ngày 20/10, thay mặt hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đã tặng các nhà văn Mỹ Kỷ niệm chương về văn hóa-nghệ thuật của Việt Nam.
Bài và ảnh: Nguyễn Việt Chiến