Những ngày qua dư luận xôn xao về việc Văn Miếu Quốc Tử Giám không còn cổ kính rêu phong như cũ, thay vào đó là một màu trắng xám mới khiến cho nhiều người tiếc nuối.
Theo bà Đỗ Thị Tám - Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, hiện trạng của Văn Miếu là tất cả đá, gỗ, tường gạch đều bị phủ rêu phong, nấm mốc, nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng đến công trình. Nhân viên của Viện Bảo tồn di tích đang tẩy rửa toàn bộ, quét lớp ve chứa hóa chất chống rêu mốc. Các chuyên gia bảo tồn sẽ phủ lại một lớp ve màu trầm, Văn Miếu sẽ trở lại vẻ cổ kính như cũ”.
Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS. Trần Lâm Biền (nhà nghiên cứu di sản văn hóa) cho rằng: “Khi sơn sửa, trùng tu Văn Miếu, cơ quan quản lý phải tham vấn ý kiến của các chuyên gia văn hóa, lịch sử và thông báo rộng rãi đến người dân.
Trước đây Hà Nội bị phản đối kịch liệt khi sơn lại Tháp Rùa. Đó là một bài học lớn, chẳng lẽ Hà Nội đã quên. Và bây giờ, tôi cảm thấy vô cùng khó hiểu khi họ phủ màu lên di tích Văn Miếu cổ kính, một di tích lớn của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng".
PGS.Trần Lâm Biền nêu quan điểm: "Việc phủ lớp màu mới lên Văn Miếu khiến người dân thấy sự phản cảm trong màu sắc. Thực ra người ta đã thay đổi kiến trúc triết học ở trung tâm Nho giáo của người Việt. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại có màu ‘lạ’ và phản cảm đến như vậy".
Trong khi đó, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho rằng: “Trên lý thuyết các di tích, di sản Văn hóa Quốc gia, đặc biệt như Văn Miếu Quốc Tử Giám khi trùng tu, sửa chữa chẳng khác gì chạm vào cái tinh hoa của dân tộc. Bởi nó vốn là một thứ gì đó đã được định vị, định hình, bây giờ muốn thay đổi là không nên”.
GS.Hoàng Chương cho hay: “Tôi đã từng được sang Nhật Bản xem họ phục dựng lại những di tích bị đổ vỡ. Họ đã phục dựng lại được giống hệt như cũ, vẫn giữ được màu sắc, bản chất như cũ, như thế mới được gọi là trùng tu, phục dựng. Chúng ta không thể tùy tiện muốn sơn, muốn quét một thứ gì đó lên Văn Miếu Quốc Tử Giám được”.
“Một di sản Văn hóa quốc gia không thể làm thay đổi, hình dáng, màu sắc, bản sắc như vậy được. Kể cả chúng ta làm cho nó đẹp hơn trước cũng không được mà phải giữ được cái ban đầu của nó.
Do đó, khi chúng ta trùng tu lại Văn Miếu Quốc Tử Giám-một báu vật quốc gia, chúng ta không thể tùy tiện làm thay đổi đi cái bản sắc của nó được. Một di tích Quốc gia cần giữ lại được màu sắc, cổ kính như cũ”, GS. Hoàng Chương nói.
Nói về việc Văn Miếu Quốc Tử Giám được phủ lên lớp ve diệt rêu, sau một thời gian, lớp ve này sẽ bay màu, trả lại màu sắc cổ kính cho di sản. GS.Hoàng Chương nêu quan điểm: “Khi đã quét ve lên rồi thì làm sao Văn Miếu Quốc Tử Giám có thể trở lại được nét Văn hóa cổ kính, thiêng liêng của dân tộc nữa. Tôi không ủng hộ việc quét ve lên như thế”.
Thế Anh