Các trường đại học và Bộ trưởng Bộ khoa học David Willetts đã thúc đẩy giáo dục xuyên quốc gia với các hình thức như liên doanh mở chi nhánh, cấp bằng chung, công nhận các khóa học ở nước ngoài.
Theo Cơ quan quan sát bên lề Giáo dục đại học, các trường đại học tại Anh đã thành lập 25 chi nhánh vào năm 2012 tại các nước như Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ấn Độ, Malaysia.
Trong năm học 2010 - 2011 đã có 291.595 sinh viên theo học các chương trình được xác nhận bởi các tổ chức Vương quốc anh tại nước ngoài.
Theo các nghiên cứu thí điểm của Hội đồng Anh, hiện nay vẫn có rất ít dữ liệu quốc gia đưa ra để đánh giá những lợi ích kinh tế mà hình thức liên doanh này mang lại cho nước sở tại hay chất lượng giáo dục đại học được tăng lên.
Giáo sư Jane Knight, trợ giảng tại ĐH Toronto, một trong những nhà lãnh đạo của cuộc nghiên cứu cho biết: điều quan trọng là thiết lập được “bằng chứng cơ sở” trước khi “tuyên bố về lợi ích” của giáo dục xuyên quốc gia được đưa ra.
Báo cáo “Những phát hiện sơ bộ từ dự án nghiên cứu tác động của giáo dục đa quốc gia lên các Nước chủ nhà” cho hay: dựa trên các cuộc phỏng vấn sinh viên, sinh viên tốt nghiệp và các chuyên gia trong 10 quốc gia chủ nhà – những nước không nhất thiết dựa theo các chương trình đào tạo của Anh, “ấn tượng tổng thể là sự tăng trưởng và nhận thức tương đối tích cực về giáo dục xuyên quốc gia”.
Các khóa học được đánh giá chung là đã “đáp ứng được những kỹ năng còn trống” của các nước chủ nhà, đặc biệt là các khóa học thạc sĩ, báo cáo viết.
“Sự đóng góp lớn nhất của Giáo dục xuyên quốc gia chính là tiềm năng để xây dựng thể chế, các cấp chương trình trong quy trình đảm bảo chất lượng, phương pháp giảng dạy, quản lý chương trình và giáo dục từ xa”, báo cáo lập luật.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra bằng chứng cho thấy giáo dục xuyên quốc gia đã làm “trầm trọng thêm việc chảy máu chất xám và trong một số trường hợp nó không lấp đầy được khoảng trống về kỹ năng công nghệ và khoa học.
Bản báo cáo cũng đưa ra quan ngại về chương trình “Phương Tây là trung tâm” mà các khóa học đa quốc gia cung cấp.
Giáo sư Knight cho biết mình có chút thất vọng vì việc thiếu các chính sách và khuôn khổ phù hợp dành cho các trường đại học nước ngoài tại các nước được khảo sát. Ngoài ra, nhiều người được hỏi cũng tỏ ra thất vọng khi việc hợp tác đã không tạo ra nhiều hoạt động nghiên cứu hơn. Hơn nữa, chỉ có 1 trong số 4 sinh viên được hỏi đã thực sự đi du học trong suốt khóa học của họ, một con số khiến cô vô cùng ngạc nhiên.
Cô cũng cho rằng những ý kiến nói việc thành lập các chi nhánh nhằm kiếm tiền cho các trường đại học nước sở tại chỉ là tin đồn. Để chứng minh, cô đã đưa ra ví dụ một trường đại học được mở cửa trong 14 năm nhưng chưa có lợi nhuận nào.
Bảo Linh (Theo Timeshighereducation)