90 phút chen lấn, chồn chân chờ đợi
Đầu năm 2012, không chỉ riêng người dân tỉnh Vĩnh Phúc mà du khách thập phương cả nước đều khấp khởi đón nhận tin vui khi hệ thống cáp treo nằm trong quần thể di tích Tây Thiên (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) đi vào hoạt động. Vào thời điểm đó, đơn vị "sản sinh" ra cáp treo Tây Thiên (Công ty Cổ phần Lạc Hồng - Tây Thiên) không tiếc lời quảng bá về một hệ thống được lắp đặt theo công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Ngoài việc rút ngắn thời gian di chuyển từ chân núi lên đền thượng, cáp treo Tây Thiên còn mang lại cho du khách những khoảnh khắc không thể nào quên khi đắm chìm giữa không gian bao la, hùng vĩ từ núi rừng Tây Thiên từ độ cao hơn 200m.
Chưa biết mức độ hoành tráng đến đâu, nhưng khi lướt qua những dòng giới thiệu trên, tôi quyết định tự thưởng cho mình sự hấp dẫn đó. Chấp nhận chi 180 ngàn đồng cho tấm vé khứ hồi mỗi người, tôi giục đồng nghiệp nhanh chóng "lên trời" mà lòng tự nhủ: "Dù có phải chờ đợi thì mình còn hạnh phúc hơn khối người phải lặn lội từng bước chân cho chặng đường bộ 7km dưới kia".
Cảnh tắc đường kéo dài hàng tiếng đồng hồ đã trở thành bình thường ở cáp treo Tây Thiên.
11h5’, chúng tôi đứng ngay ngắn đứng trong hàng người để chờ đến lượt là du khách được bước lên ca bin cáp treo. Cảm giác lâng lâng chờ đợi nhanh chóng bị phá vỡ bởi tiếng thở dài của người bạn, khi nhìn phía trước là một rừng người chen chúc, xô đẩy trên đường hướng tới các cánh cửa của ca bin. Đôi lúc, tiếng thét của những nhân viên lễ tân chỉ làm dịu đi tình hình. 12h5’, chúng tôi ước chừng cũng đi thêm được vài bước chân.
Trong chuyến du hành đạt kỷ lục về di chuyển chậm chạp của mình, tôi được nhân viên công ty giới thiệu: Tình trạng ùn ứ ở cáp treo đã xẩy ra từ vài ngày tết, nhưng du khách yên tâm, đâu sẽ vào đấy. Chúng tôi thắc mắc về việc tại sao ở trên đã tắc mà bên dưới công ty vẫn bán vé, người nhân viên này ngoảnh đi không trả lời. Không đủ kiên nhẫn, có du khách quyết định quay ra cổng bán lại vé chịu lỗ vài chục ngàn.
12h30’, dòng người vẫn tiếp tục kéo đến xếp hàng, thi thoảng một hai du khách lặng lẽ bước vào văn phòng Ban quản lý nhà ga cáp treo, chừng mươi phút sau được nhân viên công ty dắt tay đưa theo lối đi riêng tới ca bin. Để tránh bị để ý, nhân viên còn hướng dẫn đoàn "đi cửa sau" chia thành lẻ cứ một hai người đi lên ca bin cho tế nhị. Phơi đầu dưới nắng, một vài du khách đã bày tỏ sự bức xúc trước sự đi tắt, nhưng rồi cũng phải tự nhủ vì mối quan hệ và tiền bạc hạn chế của mình.
Đem nỗi thắc mắc về những trước hợp được ưu ái khác thường kia, tôi được một nhân viên đeo biển hiệu lễ tân bình thản cho hay: Đó là những trường hợp "quan hệ đối ngoại", mà lúc nào chẳng có. Tuy nhiên, như thế nào là quan hệ và quan hệ đến đâu để được đi "tắt" thì nữ nhân viên này xin không tiết lộ, còn vị khách như tôi có thắc mắc cũng chẳng nhận được câu trả lời???
12h45’, chúng tôi đã ngồi trên ca bin cáp treo chứa tới 10 người. Người bạn lại lo lắng híc tay tôi chỉ lên biển cảnh báo ca bin chỉ cho phép chở đến 8 người kèm lời an ủi: Ca bin trước còn gánh hơn số đó cho 2,5km đường cáp.
Nhân viên cáp treo Tây Thiên đang dìu tay mối quan hệ đi đường tắt lên cáp treo.
Trò chơi biến tướng thành cờ bạc
Sau cuộc hành trình tận hưởng đủ cảm xúc lạ về chuyến "lên trời" cực nhọc với cáp treo Tây Thiên, chúng tôi quyết định vi hành đến khu vực được mệnh danh là "trung tâm giải trí" của di tích này. Đúng như sự quảng bá, ẩn mình sau đền Thõng, hàng loạt trò chơi được phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật, nào là: Ném vòng, úp chậu, phi bóng... đến cả những trò bịt mắt gõ trống đều có trúng giải thưởng là tiền, với mệnh giá từ 50 - 500 ngàn đồng.
Dọc đường đi, lối lên đền, chùa chỗ nào người dân cũng mở quán bán hàng ăn, vừa cản trở giao thông, vừa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài ra còn gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan, sự tôn nghiêm ở những chốn linh thiêng. Đáng nói, bên cạnh những nét đẹp và linh thiêng trong không gian đền chùa, nhiều du khách đến Tây Thiên không khỏi tỏ ra bức xúc khi ngay trong khuôn viên của lễ hội vẫn tồn tại nhiều nét chưa đẹp. Điển hình là cảnh hàng chục hàng quán thi nhau mở trò chơi kèm theo loa đài với nhạc điệu chát chúa.
Không chỉ riêng Tây Thiên, một số lễ hội cũng như tại các đình, chùa ở Hà Nội trên đại bàn các huyện như: Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, cảnh lộn xộn, mê tín dị đoan, đánh bạc vẫn tồn tại. Phổ biến là các hiện tượng xô đẩy, chen lấn với những mâm lễ chất cao ngồn ngộn; những đồng tiền lẻ rải khắp nơi, trên tay tượng Phật, gốc cây, mặt giếng... Tại nhiều lễ hội và các điểm di tích, trong khi Ban tổ chức liên tục phát các thông điệp yêu cầu giữ vệ sinh môi trường, trật tự an toàn cho lễ hội... thì người đi lễ hầu như chỉ chú tâm đến... sự tiện lợi của mình và bỏ ngoài tai mọi lời nhắc nhở. Dọc theo đường hành hương của du khách, chúng tôi bắt gặp nhiều câu chuyện oái oăm từ chính vấn đề ý thức này.
Tại chùa Hương, hàng vạn du khách chen chúc mỗi ngày đã khiến cho lễ hội này luôn trong tình trạng ách tắc, rác bẩn vương vãi, con đường hành hương nhiều khi như tê liệt và người đi lễ thay vì sự thanh thản lại rơi vào trạng thái "stress" khi liên tục bị va chạm, xô đẩy. Đường phân cách lối lên, xuống dường như cũng trở nên bất lực khi người người bất chấp mọi quy định, chen lấn để có thể nhanh chân vào... hành lễ. Rất phản cảm là hình ảnh những nam thanh, nữ tú ăn mặc văn minh nhưng lại ngang nhiên có các hành vi thiếu văn hóa như vứt rác trong khi ngay phía trước họ là các nhân viên môi trường đang cặm cụi thu gom.
Đau lòng hơn, những hình ảnh quen thuộc như: Ách tắc giao thông, hàng quán bừa bộn, khách thập phương ăn nằm ngả ngớn... đã trở thành chuyện thường ngày không chỉ ở riêng chùa Hương mà còn ở rất nhiều lễ hội, đền chùa trên cả nước.
Không kìm lòng trước những lộn xộn trong các hoạt động lễ hội, đền chùa hiện nay, GS.TS Ngô Đức Thịnh phải thốt lên: "Nguy cơ lớn nhất chính là sự đơn nhất hóa các lễ hội. Thay vì thể hiện bản sắc riêng thì giờ đây lễ hội nào cũng na ná như nhau. Để khắc phục thì phải biết cách tôn trọng sự độc đáo của mỗi lễ hội. Rồi tiếp đó, người ta cũng đang trần tục hóa lễ hội từ A đến Z, thay vì cúng lễ thành tâm thì nay có đủ mọi loại dịch vụ phục vụ mùa lễ hội. Một nguy cơ khác đó là sự thương mại hóa lễ hội, không ít người coi mùa lễ hội là mùa làm ăn nên từ khâu trông xe, bán đồ lễ, đổi tiền lẻ, khấn thuê, viết sớ... những người đi lễ đều bị hành và chặt chém. Và một nguy cơ nữa đó là sự hành chính hóa lễ hội, người ta coi các buổi khai mạc lễ hội là cơ hội báo cáo thành tích của các cấp chính quyền, mà lẽ ra những thành tích này chỉ nên đưa ra ở những cuộc họp của chính quyền".
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, một lãnh đạo quán lý thuộc Bộ VH-TT&DL (xin được dấu tên - PV) thừa nhận: Tại các điểm di tích, lễ hội trọng điểm mà Bộ VH-TT&DL kiểm tra mùa lễ hội đầu năm nay, vẫn có nhiều hạn chế từng kéo dài như nạn rải, rắc tiền lẻ, đặt tiền giọt dầu tùy tiện, chen lấn, xô đẩy, mê tín dị đoan, xả rác thải bừa bãi, dâng cúng và đốt quá nhiều đồ mã... Dẫu chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa hoạt động lễ hội vào nề nếp song thực tế bộ mặt lễ hội không có tiến bộ nhiều, vấn đề mấu chốt là ý thức của du khách hành hương vẫn là chuyện nan giải.
Vương Trần