Ông Vũ Văn Viện cho biết, sẽ hạn chế sự tham gia của các phương tiện cá nhân. Khi đó người dân sẽ di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng như đi buýt, đi tàu trên tuyến đường sắt trên cao, và đi bộ.
Cùng với việc hạn chế ô-tô cá nhân, Hà Nội sẽ cấm xe máy vào nội đô vào năm 2030. Ông Takagi Michimasa với 15 năm kinh nghiệm làm việc ở Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, hiện là Chuyên gia tư vấn cao cấp Công ty Almec, Nhật Bản, cho biết: Tại đất nước ông, muốn giảm thiểu ùn tắc giao thông cần tác động vào nhận thức của người tham gia giao thông, trước hết là giới công chức. Công chức phải làm gương trong việc bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân. Ở Nhật Bản, hơn một nửa các cơ quan Nhà nước đã cấm nhân viên dùng xe riêng đi làm. Đất nước “mặt trời mọc” chủ yếu áp dụng các biện pháp đánh vào kinh tế: Như ở Tokyo, phí đỗ xe được quy định ở mức rất cao khiến người dân thấy đi phương tiện công cộng rẻ hơn mà vẫn đến được điểm cần đến. Ngoài ra, ở Nhật Bản, làn riêng cho xe buýt được bố trí ngay cả trên những tuyến đường hẹp, mỗi bên chỉ có 2 làn đường. Điều này khiến giao thông chung đi lại khó khăn hơn nhưng chính quyền vẫn chấp nhận đánh đổi để khuyến khích người dân chuyển đổi hình thức đi lại từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng” - chuyên gia Takagi Michimasa thông tin.
Ở Nhật Bản, việc cấm sử dụng phương tiện cá nhân được bắt đầu từ giới công chức, những người làm việc trong khu vực nhà nước, từ những nhân viên đến các vị lãnh đạo, như vậy đã hình thành nên một chốn công sở không khói bụi, tiết kiệm diện tích bãi đỗ xe, giảm ùn tắc… Hơn nữa việc từ bỏ thói quen sử dụng xe cá nhân của các cơ quan Nhà nước sẽ tạo ra những tiền đề tốt để nhân dân cả nước cùng hưởng ứng.
Thế mới thấy ở Nhật, việc giảm ùn tắc giao thông được thực hiện ngay từ chính những người đề ra chủ trương – giới chính quyền. Còn ở Việt Nam, tại sao chưa làm được điều tương tự như vậy? Tại sao không bắt đầu từ chính giới công chức, những nhân viên làm việc trong các công ty doanh nghiệp, cán bộ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan hành chính nhà nước, tầng lớp học sinh sinh viên, bộ đội công an không ở thời điểm trực chiến hay thi hành công vụ?
Chủ trương cấm xe máy bắt đầu từ giới công chức - ngoài mục đích giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn nói chung và Hà Nội nói riêng còn giúp tạo nên một chốn công sở, nơi làm việc không khói bụi, bảo vệ môi trường; tiết kiệm diện tích bãi đỗ xe, chi phí xăng dầu và sửa chữa xe cộ. Hơn nữa sau những giờ học và làm việc căng thẳng, việc phải ngồi trên xe máy để tự điều khiển khiến bạn căng thẳng và gây stress, thì việc sử dụng phương tiện công cộng sẽ giúp đầu óc thư thái tránh mệt mỏi căng thẳng…
Hạn chế ô-tô cá nhân, cấm xe máy để khuyến khích đi các phương tiện giao thông công cộng, là các chính sách cần thiết.
Vậy, những người đề ra các chủ trương đó – như ông Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng các nhân viên của ông, hãy thực hiện trước đi.
Ngay từ mai, hãy đi xe buýt!
Vũ Thủy