Theo báo cáo của PAHO, trường hợp được xác định nhiễm bệnh là một trẻ em chưa được tiêm chủng phòng bại liệt sống tại bang Delta Amacuro vốn là một bang nghèo và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bác sỹ Jose Felix Oletta, một cựu Bộ trưởng Y tế, cho biết lần gần đây nhất bại liệt xuất hiện tại Venezuela là vào năm 1989.
Chuyên gia này cho biết nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất đối với virus này là những người thiếu dinh dưỡng và không được chủng ngừa, như trường hợp mới phát hiện tại bang Delta Amacuro.
PAHO cũng cho biết Venezuela đang đối mặt với một đợt bùng phát dịch sởi nguy hiểm.
Có tới 85% tổng số ca nhiễm sởi tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm qua là ở Venezuela, tương đương 1.427 ca nhiễm bệnh, trong đó có 35 trường hợp tử vong tính từ giữa năm 2017.
Venezuela cho biết nước này thiếu tới 85% điều kiện y tế cơ bản bao gồm cả vắcxin.
Bệnh bại liệt rất dễ lây, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và cột sống, thậm chí khiến cơ thể tê liệt. Các dấu hiệu bao gồm: đau ở đầu, cổ, lưng, đau bụng, nôn mửa, sốt và dễ cáu gắt.
Sau một đợt bùng phát bệnh bại liệt khiến 20.000 trẻ tê liệt và cướp mạng sống của hơn 3.000 trẻ vào năm 1952, các bác sĩ đã nghiên cứu thành công vaccine ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Đ.V (Tổng hợp)