VETC xin trả dự án thu phí tự động: Bộ GTVT nói gì?

VETC xin trả dự án thu phí tự động: Bộ GTVT nói gì?

Nguyễn Ngọc Lâm

Nguyễn Ngọc Lâm

Thứ 5, 14/11/2019 17:02

Sau khi xem xét đề xuất của Công ty VETC, bộ GTVT không đồng thuận giải pháp dừng triển khai dự án hoặc Nhà nước tiếp nhận lại dự án, đồng thời yêu cầu Công ty VETC phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện Hợp đồng đã ký kết với bộ GTVT.

Mới đây, Công ty TNHH thu phí tự động VETC (đơn vị lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí tự động), đơn vị được bộ GTVT ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 sau 5 năm thực hiện dự án đã vừa có văn bản xin thôi không làm dự án nữa.

Lý do được đơn vị này đưa ra là sau thời gian triển khai dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1, hiện vẫn còn nhiều nhà đầu tư BOT không chịu hợp tác trong triển khai thu phí tự động, điều này khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Cụ thể, VETC cho rằng lỗ lũy kế của công ty này đến 30/9/2019 là 300 tỷ đồng, do tỷ lệ thu phí tự động không dừng thấp, thực tế chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch.

Hiện nhà đầu tư (Công ty cổ phần Tasco) đã phải bù số tiền lỗ trên để bù đắp dòng tiền duy trì công tác vận hành. Kể cả hết năm 2020 triển khai được 36 trạm thu phí, doanh nghiệp vẫn lỗ lũy kế cho công tác vận hành khoảng 580 tỷ đồng.

Do đó, VETC đề nghị bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án này để tiếp tục triển khai. Hoặc bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp trong tháng 12/2019 trong trường hợp những tồn tài và khó khăn nêu trên không được giải quyết.

Nếu bắt buộc phải tiếp tục thực hiện dự án, VETC đề nghị bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án.

Tin nhanh - VETC xin trả dự án thu phí tự động: Bộ GTVT nói gì?

VETC xin trả lại dự án thu phí không dừng cho bộ GTVT vì chậm tiến độ.

Chiều 14/11, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin về vấn đề này, đại diện bộ GTVT khẳng định: "Bộ GTVT đã nhận được các văn bản số 530/VETC-ĐT ngày 23/10/2019 và số 246/TASCO-ETC ngày 05/11/2019 của nhà đầu tư dự án đề xuất dừng triển khai dự án để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục thực hiện.

Sau khi xem xét đề xuất của Công ty VETC, bộ GTVT không đồng thuận giải pháp dừng triển khai dự án hoặc Nhà nước tiếp nhận lại dự án, đồng thời yêu cầu Công ty VETC phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện Hợp đồng đã ký kết với bộ GTVT. 

Bên cạnh đó, bộ GTVT sẽ phối hợp với với VETC và các cơ quan đơn vị có liên quan từng bước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc với quyết tâm cao để hoàn thành Dự án".

Theo bộ GTVT, việc triển khai các dự án do VEC quản lý có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện dẫn đến 04/05 tuyến cao tốc thực hiện rất chậm, khó có thể hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà nguyên nhân chính là việc chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư hệ thống thiết bị Front-End tại các trạm thu phí do hiệp định vay vốn các dự án đã hết.

Việc chuyển VEC về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền giữa bộ GTVT và Ủy ban quản lý vốn nhà nước chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hệ thống ETC. Bên cạnh đó vướng mắc về đàm phán tỷ lệ trích doanh thu giữa VEC và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (Hợp đồng dịch vụ).

Về phương án tài chính dự án thu phí tự động không dừng, đến thời điểm này cơ bản các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã được lắp đặt, vận hành công nghệ thu phí tự động, bước đầu tạo sự thuận lợi cho người sử dụng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan nên việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký Hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm.

Ngoài ra việc nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu (do lưu lượng phương tiện thấp hơn so với dự báo, chưa được tăng phí theo đúng lộ trình trong Hợp đồng, việc giảm phí quanh trạm thu phí theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ) cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án thu phí tự động không dừng.

Một nguyên nhân khác được bộ GTVT đưa ra là do số lượng phương tiện dán thẻ (e-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng chưa cao (khoảng 800.000 thẻ/3,5 triệu phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC) do chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thôngchưa được thuận tiện cho người sử dụng dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ. Việc bắt buộc các phương tiện chưa dán thẻ không được đi qua làn thu phí tự động không dừng mặc dù đã được triển khai nhưng vẫn cần có lộ trình và chế tài để thực hiện.

Nguyễn Lâm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.