Liên quan đến đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu lên 8000 đồng/lít đang xôn xao dư luận thời gian qua, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng vụ Chính sách thuế, bộ Tài chính cho biết, mặc dù mới xin chủ trương để xây dựng luật nhưng Bộ cũng đã nhận được nhiều ý kiến, câu hỏi xung quanh vấn đề này.
Ông Thi cho biết, theo luật Ngân sách Nhà nước, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước nên cũng thực hiện chi theo luật Ngân sách Nhà nước. Vì vậy, mặc dù luật không quy định cụ thể thu thuế BVMT là để chi cho BVMT nhưng trên thực tế, quá trình đầu tư, chi cho những dự án lớn, hỗ trợ đầu tư phát triển là đã có tác động BVMT gián tiếp. Ví dụ như dự án nước thải tại TP.HCM, tại Hà Nội.
“Không phải cứ chi trực tiếp cho bảo vệ môi trường mới là bảo vệ môi trường. Nói đơn giản như xây dựng các dự án giao thông, nếu để đường đất thì bụi mù, làm đường đẹp thì xe chạy bon bon, ít bụi, đây cũng là tác động bảo vệ môi trường. Rất khó phân định rạch ròi chỗ nào là chi cho BVMT từ nguồn thu ngân sách”, ông Thi khẳng định.
Theo ông Thi, hiện nay, chúng ta đang thực hiện chi 1% trực tiếp cho BVMT. Còn các dự án khác là gián tiếp chi, vì vậy không thể nói là thu thuế BVMT nhiều mà chi thì ít. Điều này đã được quy định cụ thể theo luật Ngân sách Nhà nước, thi hành từ 1/1/2017.
Đặc biệt, thời gian gần đây, tình hình thế giới có nhiều biến đổi về chính sách thuế. Nhiều nước đã chuyển dần sang tăng thuế gián thu và giảm thuế trực thu, sử dụng thuế nội địa để bù đắp các khoản thuế gián thu và thuế BVMT cũng là một trong những phương thức hiệu quả.
Theo kế hoạch tài chính 2016-2020 đã được Chính phủ thông qua, có đặt mục tiêu từng bước cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, mở rộng thuế gián thu, thu hẹp thuế trực thu. Nguồn thu mới phải phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng thu thuế nội địa, khai thác tốt nguồn thu tài nguyên và môi trường.
Bên cạnh đó, thực tế, luật Thuế BVMT khi đi vào thực tiễn dần bộc lộ những vướng mắc, cần được nghiên cứu bổ sung cho phù hợp. Để bảo vệ lợi ích quốc gia trong thời kỳ hội nhập, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong luật BVMT, bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ đưa vấn đề này vào chương trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh năm 2017.
Về việc sửa đổi khung thuế BVMT, trong định hướng có nhiều nội dung cần sửa đổi. Không chỉ điều chỉnh riêng khung đối với xăng dầu mà còn với cả túi nilon, với dung dịch có hại cho tầng ozon.
Xăng dầu là sản phẩm chứa hóa chất độc hại với môi trường, hiện nhiều nước đã đưa mặt hàng này vào đánh thuế BVMT với những tên gọi như thuế năng lượng, thuế nhiên liệu. Ở Việt Nam, xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế. Đầu năm 2015, khi giá dầu thế giới giảm, bộ Tài chính cũng đề xuất tăng mức thuế BVMT với mặt hàng này lên từ 1.000 - 3.000 đồng.
So sánh với các nước, trong đó có những nước liền kề, nếu Việt Nam không thực hiện điều chỉnh thuế với mặt hàng này chúng ta sẽ thiệt hại đến lợi ích quốc gia. Hiện nay, mức thuế BVMT với xăng đầu đang nằm trong khoảng từ 3.000 đồng/lít. Khi cần thiết, sẽ có điều chỉnh dần.
Cũng trong một so sánh khác, bộ Tài chính cho biết, giá xăng của Việt Nam hiện đang thấp hơn các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực. Đây cũng là một trong những lý do mà bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với BVMT nhằm đối phó với diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới.
Về lý do điều chỉnh khung thuế BVMT lên 3.000 - 8.000 đồng/lít, đại diện bộ Tài chính cho hay, Việt Nam hiện đã tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do, vì vậy phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu. Giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.
Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 3/4/2017, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 180 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao và 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88, Lào đứng thứ 97). Với mức giá bán lẻ xăng Ron 92 của Việt Nam - cập nhật đến ngày 6/4/2017 là 17.230 đồng/lít, thấp hơn của Lào là 4.806 đồng/lít, Campuchia là 2.826 đồng/lít, Thái Lan là 1.166 đồng/lít, Singapore là 16.175 đồng/lít, Philippines là 3.375 đồng/lít, Hồng Kông là 26.518 đồng/lít.
“Về tỷ trọng thuế, Việt Nam đang ở mức thấp. Giá dầu thô là tính chung cho cả thế giới nhưng giá bán của các nước lại cao hơn Việt Nam chứng tỏ thuế của ta thấp hơn của họ”, ông Phạm Đình Thi cho biết.
Trên cơ sở tính toán những yếu tố kể trên, bộ Tài chính mới đề nghị khung thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu lên từ 3.000 - 8.000 đồng/lít, áp dụng cho một lộ trình dài.
Theo ông Thi, bộ Tài chính mới đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để đảm bảo tính ổn định của Luật áp dụng cho thời gian dài. Do đó, việc điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như sản xuất kinh doanh.
Đỗ Huệ