Được biết, năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90 về chống thư rác và tin nhắn rác. Theo đó, tổ chức, cá nhân phát tán tin nhắn, thư rác có nội dung quảng cáo không theo yêu cầu của người nhận hoặc mua bán, đầu cơ email... có thể bị xử phạt đến 80 triệu đồng. Các loại thư điện tử, tin nhắn rác được gửi tới người nhận với mục đích lừa đảo, quảng cáo, quấy rối hoặc phát tán virus qua máy tính gây hại... đều bị xử phạt.
Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định 77 về chống tin nhắn rác nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra phổ biến. Bộ Thông tin- Truyền thông cũng tuyên bố làm mạnh tay, xử lý một vài doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện tượng trên vẫn vô cùng nhức nhối, người tiêu dùng vẫn bị "móc túi" hàng ngày. "Không thể phủ nhận, luật đã đi vào thực tế được nhiều năm nhưng việc xử lý chỉ như… muối bỏ bể. Luật chúng ta không thiếu nhưng việc thực hiện vẫn bị xem nhẹ", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Vương Ngọc Tuấn- phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Lý giải cho tồn tại này, ông Tuấn nhận định: "Tất cả đều vì mục đích lợi nhuận. Việc gửi tin nhắn rác trên điện thoại di động cũng đem lại không ít lợi nhuận cho cả nhà mạng lẫn đơn vị quảng cáo. Cả nhà mạng và doanh nghiệp kinh doanh đều không muốn "nhả" miếng mồi "ngon" này". Về nguyên tắc, mọi tin nhắn dù gửi theo cách nào thì đều phải qua hệ thống của mạng di động cung cấp. Thời điểm hiện nay, các mạng hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ chặn tin nhắn và cho phép người dùng lựa chọn chức năng này.
Tuy nhiên, điều này chỉ có tác dụng với tin nhắn được gửi đi hàng loạt. Với những tin nhắn lừa đảo được gửi từ các sim rác thì không thể chặn hết bằng chức năng này. "Hơn nữa, việc các nhà mạng có thực sự "bắt tay" hợp tác để giải quyết vấn nạn này cũng là vấn đề đáng phải bàn?. Mỗi công ty dịch vụ tin nhắn có doanh thu đến vài chục tỷ một năm thì mức xử phạt vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng sẽ chẳng thấm vào đâu", chuyên gia này đặt câu hỏi.
Theo ông Tuấn, để loại bỏ hiện tuợng tin nhắn rác phải xuất phát từ chính các nhà mạng. Họ phải thực sự là người bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, phải đưa ra các phương cách để hạn chế tin nhắn lừa đảo. Tuy nhiên trách nhiệm này vẫn chưa được các nhà mạng thực hiện đến nơi đến chốn. Được biết, một số nhà mạng đưa ra giải pháp cứ nhận được từ 100 khiếu nại trở lên về việc tin nhắn spam thì công ty đang kinh doanh đầu số đó sẽ bị phạt hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế, thậm chí có thể bị cắt hợp đồng kinh doanh. Trên thực tế, vẫn chưa có cá nhân hoặc doanh nghiệp nào bị nêu tên xử lý. Một số nhà mạng khác cũng mới chỉ dừng lại ở mức… khuyến cáo. Mức sử phạt nhẹ nhàng như vậy liệu có tác dụng gì trong điều kiện tin nhắn rác hoành hành dữ dội như hiện nay.
Khi được hỏi về việc liệu rơi vào vòng lừa đảo của tin nhắn rác, bị "móc túi", ông Tuấn khẳng định người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện các công ty kinh doanh dịch vụ này. Nếu khách hàng có đơn tố cáo, hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ đứng ra bênh vực quyền lợi của khách hàng.
Cũng theo tiết lộ của một chuyên gia về công nghệ thông tin, các điều kiện để phát tán tin nhắn rác vô cùng đơn giản. Những đơn vị kinh doanh dịch vụ tin nhắn chỉ cần trang bị một chiếc modem kết nối với máy tính cài đặt phần mềm chuyên dụng, cùng một lúc có thể gửi tin nhắn rác đi từ cả chục sim điện thoại. Những thiết bị như vậy có giá chỉ vài triệu đồng và dễ... như mua rau. Chuyên gia này cũng khẳng định: "Việc ngăn chặn tin nhắn rác trước hết trách nhiệm thuộc về nhà mạng. Nếu nhà mạng kiểm soát chặt, có thể phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện ra các ổ phát tán tin nhắn rác. Có điều các nhà mạng liệu có thực sự kiên quyết, thực sự làm mạnh tay hay không mới là vấn đề?".
Vịnh Nghi