Ngày 17/5, TAND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản, Rửa tiền xảy ra tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) và các đơn vị liên quan.
Phiên toà được mở do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 2 bị cáo Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức và Nguyễn Lan Anh, Phó Giám đốc bệnh viện thành phố Thủ Đức.
Cựu Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức lập nhiều công ty “sân sau” để thông thầu
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Minh Quân và các đồng phạm đã lập nhiều công ty “sân sau” để thông thầu, tham ô số tiền đặc biệt lớn, vi phạm các quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2020, Bệnh viện thành phố Thủ Đức đã tổ chức đấu thầu 31 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, phục vụ công tác khám chữa bệnh. Trong đó, có 28 gói thầu đã phê duyệt kết quả trúng thầu, hoàn thiện thanh toán với tổng số tiền hơn 346,2 tỷ đồng.
Điều đáng nói là 27/28 gói thầu có kết quả trúng thầu nói trên đều thuộc về các công ty “sân sau” của bị cáo Nguyễn Minh Quân.
Giúp sức tích cực cho Quân là bị can Nguyễn Văn Lợi (người làm thuê cho vợ chồng Quân).
Quân chỉ đạo Lợi thành lập, sử dụng các công ty sân sau, gồm: Công ty TNHH Ngọc Đạo, TNHH TMDV SX Nguyễn Tâm, TNHH Dược phẩm Trung Dung, TNHH Thanh Vương Sài Gòn, lập các hợp đồng mua bán khống, lòng vòng giữa các công ty trong nhóm này để nâng giá thiết bị máy móc cao hơn giá thị trường khi tham gia các gói thầu tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức.
Sau đó, Lợi sử dụng 3 công ty trong nhóm 4 công ty sân sau nói trên để nộp hồ sơ dự thầu với giá máy móc thiết bị đã được nâng khống.
Khi làm hồ sơ tham gia đấu thầu, Lợi chỉ đạo Trần Hậu Nghĩa (là người được Lợi thuê làm Giám đốc Công ty TNHH thiết bị y tế Hải Đăng, đồng thời là Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Đạo) cố tình làm một bộ hồ sơ có tiêu chí tốt hơn 2 bộ còn lại, mục đích để một công ty trúng thầu.
Tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức, Quân thành lập tổ mua sắm, các tổ thực hiện hoạt động đấu thầu như tổ soạn thảo hồ sơ mời thầu, tổ mời thầu, tổ chuyên gia xét thầu… do các bị can là nhân viên Bệnh viện thành phố Thủ Đức phụ trách.
Nhưng thực chất, các tổ đấu thầu này không hoạt động theo quyết định được phân công, chỉ ký hoàn thiện, hợp thức hóa hồ sơ theo chỉ đạo của Quân để thông thầu, gian lận trong đấu thầu, không đảm bảo minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Bằng các hành vi nêu trên, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2020, nhóm 4 công ty do Lợi quản lý đã tham gia đấu thầu và mặc định là đơn vị trúng 27/28 gói thầu tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức, với tổng giá trị trúng thầu là hơn 345,2 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi giá mua và các chi phí lương, lãi vay ngân hàng, thuế, chi phí văn phòng…, Quân chiếm đoạt hơn hơn 102 tỷ đồng.
Số tiền tham ô mà có, Quân chỉ đạo Lợi rút tiền mặt, chuyển khoản vào tài khoản của Quân và vợ Quân, hoặc chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của công ty mà vợ chồng Quân mua bất động sản và ô tô hạng sang hoặc rút tiền mặt sử dụng cá nhân.
Đối với bị cáo Nguyễn Lan Anh, phó giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức, Phó Chủ tịch hội đồng khoa học công nghệ Bệnh viện; Tổ trưởng Tổ thẩm định đấu thầu, đã ký hợp thức các báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu, báo cáo thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính... hợp thức các thủ tục liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế tế để ấn định tạo điều kiện cho nhóm các công ty của Nguyễn Văn Lợi trúng thầu.
Y án sơ thẩm đối với Nguyễn Minh Quân
Với hành vi nêu trên, TAND thành phố Hồ Chí Minh xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Quân 16 năm tù về tội Tham ô tài sản; 5 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là 21 năm tù. Cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đấu thầu trong 3 năm sau khi chấp hành án.
Bị cáo Nguyễn Văn Lợi bị tuyên phạt 12 năm tù về tội Tham ô tài sản; 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là 15 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ bị cáo Quân) bị tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội Rửa tiền.
Bị cáo Nguyễn Lan Anh bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhóm 5 bị cáo bị xét xử về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng bị tuyên phạt các mức án từ 3 năm tới 3 năm 6 tháng tù giam.
Về dân sự, HĐXX buộc bị cáo Nguyễn Minh Quân bồi thường 102,52 tỷ đồng; buộc bị cáo Nguyễn Lan Anh và Nguyễn Thị Ngọc nộp lại số tiền đã nhận của bị cáo Lợi bất chính.
Sau bản án sơ thẩm, chỉ có bị cáo Quân và Lan Anh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, cả Quân và Lan Anh đều thừa nhận hành vi phạm tội, và trình bày thêm việc được tặng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình công tác; đồng thời hai bị cáo đã nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả vụ án, trong đó Quân khắc phục thêm 400 triệu đồng, Lan Anh khắc phục thêm 394 triệu đồng.
Có tình tiết giảm nhẹ hình phạt mới, tuy nhiên trong phần luận tội, đại diện VKSND cấp cao đã đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm vì bản án sơ thẩm đã có xem xét và hình phạt tương xứng mức độ mà các bị cáo gây ra.
Sau giờ nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, bị cáo Nguyễn Minh Quân đã nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả vụ án, nhưng số tiền bị cáo nộp khắc phục thêm là quá nhỏ so với số tiền buộc bị cáo phải bồi thường. Xét mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên với bị cáo Quân là phù hợp nên không có căn cứ xem xét kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đối với bị cáo Lan Anh, bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Cấp sơ thẩm chưa xem xét tình tiết giảm nhẹ này cho bị cáo nên có căn cứ để cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo.
Từ các nhận định nêu trên, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Quân 16 năm tù về tội Tham ô tài sản, 5 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt mà bị cáo Quân phải chấp hành là 21 năm tù. Cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý đấu thầu trong 3 năm sau khi chấp hành án xong.
Tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lan Anh 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (giảm 6 tháng tù so với án sơ thẩm).