Ngày 27/3, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Hà Thị Thùy Dương (SN 1983, quê tỉnh Tiền Giang, cựu tiếp viên hàng không hãng Asiana Airlines, Hàn Quốc) 1,2 tỷ đồng về tội Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới theo khoản 3 Điều 189 BLHS 2015. Trước đó, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Dương từ 4-5 năm tù theo khoản 3, Điều 154, BLHS 2009.
Vì sao được lượng hoá hình phạt tù bằng tiền?
Điều khiến dư luận quan tâm là BLHS năm 2015 bị tạm dừng thi hành theo Nghị quyết số 144 của Quốc hội ngày 29/6/2016.
Tuy nhiên, tại điểm a, b, khoản 4, Điều 1, Nghị quyết số 144 quy định về các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015, giao cho TANDTC có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Theo luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang, BLHS 2015 có nhiều quy định rất tiến bộ mà Điều 189 là một trong những quy định đó. Mục đích của hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới là thu lợi bất chính, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế.
“Việc TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Hà Thị Thùy Dương 1,2 tỷ đồng về tội Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới là đúng quy định pháp luật. Bản án thể hiện tính kịp thời, phù hợp với thực tiễn xét xử theo đúng tinh thần hướng dẫn của TANDTC về một số quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015”, luật sư An nêu quan điểm.
Tuy nhiên, luật sư An cũng bày tỏ, trong quá trình xét xử, toà án các cấp cũng cần cân nhắc khi áp dụng hình phạt này, vì với bị cáo có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế thì không thể áp dụng hình phạt tiền như người có điều kiện về kinh tế.
Ngày 13/9/2016, TANDTC ban hành văn bản số 276, hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội theo BLHS 2015. TANDTC yêu cầu TAND các cấp xét xử đảm bảo áp dụng đúng các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 và các quy định của BLTTHS 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội. Để giải quyết câu chuyện thế nào là quy định có lợi hay không có lợi, TANDTC đã ban hành danh mục một số quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015. Mục 82 quy định trường hợp liên quan đến tội Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (Điều 189). Tại khoản 2, 3, Điều 189 có thêm một loại hình phạt chính mới là hình phạt tiền. Trước đó, Điều 154 BLHS 1999 cũng quy định về tội này nhưng không có hình phạt tiền là hình phạt chính. Khoản 3, Điều 189 bổ sung hình phạt chính phạt tiền từ 1- 3 tỷ đồng, được TANDTC xác định đây là tình tiết có lợi cho bị can, bị cáo. |
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Đỗ Thị Ngọc Tuyết, giảng viên cao cấp học viện Tư pháp, nguyên Trưởng khoa Đào tạo kiểm sát viên học viện Tư pháp nêu quan điểm: “BLHS 2015 hoãn thi hành và chưa biết đến bao giờ mới thi hành. Tuy vậy, Nghị quyết 144 của Quốc hội đã có văn bản hướng dẫn áp dụng những điều khoản có lợi cho bị can, bị cáo. Việc TAND TP.HCM áp dụng Điều 189 BLHS 2015 có lợi hơn cho bị cáo, so với Điều 154 BLHS 1999 là rất đúng luật, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam”.
Cũng theo TS. Tuyết: "Thực tế cho thấy, tội phạm kinh tế và chức vụ không ngừng gia tăng trong thời gian qua và hậu quả của nó đặc biệt nghiêm trọng. Lịch sử pháp luật hình sự nước ta vẫn coi trọng hình phạt tù, hơn là hình phạt tiền. Điều này dẫn đến hậu quả một người phạm tội về kinh tế, chức vụ bị xử hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình (tội Tham ô, tội Đưa và nhận hối lộ). Suy cho cùng, một con người bị tước quyền sống, trong khi hậu quả để lại quá lớn cho xã hội, không thu hồi được tiền cho Nhà nước. Điều đó chưa đạt được hiệu quả".
“Nhìn ở góc độ pháp luật, theo tôi nên giảm hình phạt tử hình, tăng hình phạt tiền đối với tội phạm về kinh tế”, TS. Tuyết nêu ý kiến.
Cơ quan tố tụng lên tiếng
Liên quan đến vụ án, theo cáo trạng, ngày 3/11/2015, trên chuyến bay từ Hàn Quốc về TP.HCM, Hà Thị Thuỳ Dương, tiếp viên hãng Asiana Airlines đi cùng phi hành đoàn của hãng hàng không này nhập cảnh vào Việt Nam nhưng không làm thủ tục khai báo hải quan mang theo ngoại tệ.
Kiểm tra bằng máy soi chiếu, hải quan phát hiện hành lý của Dương có 90.000 USD. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Dương. Tại cơ quan điều tra, Dương khai nhận, lợi dụng lúc cô đang trang điểm trong phòng vệ sinh của một khách sạn ở Hàn Quốc, người bạn ngoại quốc của cô đã bỏ số tiền trên vào vali của cô. Dương bị cơ quan tiến hành tố tụng TP.HCM truy tố về tội Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới theo khoản 3 Điều 154 BLHS.
Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên sung công quỹ 90.000 USD (tương đương 1,97 tỷ đồng), là tiền Dương đã vận chuyển trái phép.
Trước đó, đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo Dương từ 4 - 5 năm tù theo khoản 3, Điều 154, BLHS 2009. Bị cáo Dương xin tòa được nộp phạt tiền thay cho ngồi tù và được tòa chấp thuận cho nộp 1,2 tỷ đồng.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện VKSND TP.HCM cho biết: Làm tiếp viên hàng không từ năm 2008, bản thân Dương nhận thức rõ định mức tiền và hàng miễn thuế khi mang vào Việt Nam phải khai báo vào tờ khai hải quan tại sân bay khi nhập cảnh.
Hàng năm, Asiana Airlines đều tập huấn về pháp luật liên quan tại những nước nhập cảnh, đồng thời trước mỗi chuyến bay, phi hành đoàn đều được nhắc lại vấn đề này một lần nữa.
Trong mỗi chuyến bay về Việt Nam, Dương chính là người đọc thông báo bằng tiếng Việt giải thích về khai báo hải quan cho hành khách. Vì vậy, Dương nắm rõ quy định liên quan đến việc mang ngoại tệ khi nhập cảnh vào Việt Nam. Từ đó, đủ cơ sở kết luận Dương phạm tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
"Theo quy định tại khoản 3 Điều 189, BLHS năm 2015 thì có 2 hình thức phạt, phạt tù hoặc phạt tiền. Việc VKS đề nghị phạt tù hay phạt tiền đều đúng theo quy định pháp luật. Tại phiên tòa xét xử Dương, VKS đề nghị mức án tù, nhưng tòa tuyên buộc Dương nộp phạt để khỏi ngồi tù. Phán quyết này của tòa cũng không sai vì đã tuân thủ theo quy định pháp luật", vị đại diện VKSND TP.HCM cho hay.
Có cơ sở để phạt tiền bị cáo thay phạt tù Liên quan đến quyết định tại phiên tòa trên, thẩm phán Ngô Ngọc Thắng TAND TP.HCM (chủ tọa phiên tòa xét xử Hà Thị Thùy Dương) cho biết: “Trước khi phiên tòa diễn ra, Dương có nộp cho tòa một cuốn sổ tiết kiệm để chứng minh tài chính. Thời điểm xét xử, Dương đang nuôi con nhỏ và có đủ khả năng tài chính để nộp phạt ngay. HĐXX nhận thấy có đủ điều kiện để áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định tại BLHS năm 2015 nên tuyên phạt Dương được nộp phạt thay vì phải ngồi tù. Đây là quyết định có cơ sở, đúng người, đúng pháp luật”. |
Nhóm PV