“Viết chiến tranh” trong tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”

“Viết chiến tranh” trong tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”

Hoài Nam

Hoài Nam

Thứ 2, 10/07/2023 18:31

Tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một là sự quy chiếu vào bản thân nó, cả trong cách viết và trong các cách đọc khả thể.

Tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một (Nxb Hội Nhà văn, 2023) là sự quy chiếu vào bản thân nó, cả trong cách viết và trong các cách đọc khả thể, rất nhiều văn bản. Ngay cái nhan đề của tiểu thuyết đã là một liên văn bản, liên văn bản quan trọng nhất, theo cách trích dẫn trực tiếp Kinh Thánh mà nhà văn đặt ở những dòng cuối cùng của tác phẩm: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ bị xé ra làm đôi ngay chính giữa” (Kinh Thánh Lc 23, 1 – 49). Cái khoảng thời gian tối tăm trường dạ từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín ấy, chính là biểu tượng của thời gian hủy diệt. Và sự hủy diệt mà Kinh Thánh tiên tri ấy, có thể nói như vậy, đã được Nguyễn Một tìm thấy hồi đáp từ những hình ảnh đau thương điêu tàn trên quê hương đất nước mình, từ những gia đình và những cuộc đời bị vùi dập tan nát của đồng bào mình trong cuộc chiến dai dẳng nhất thế kỷ XX, cuộc chiến mà báo chí phương Tây vẫn thường gọi là chiến tranh Việt Nam.

Văn hoá - “Viết chiến tranh” trong tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”

Nhà văn Nguyễn Một.

“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là một tiểu thuyết chiến tranh. Nguyễn Một đã kiến thiết sự “viết chiến tranh” của mình chủ yếu dựa trên cái trục là cuộc chạy trốn của nhân vật chính, một chàng trai mới lớn người xứ Quảng tên Sơn, Trần Viết Sơn.

Để trốn đi lính, từ quê hương Quảng Nam, Sơn đã chạy đến Thủ Biên, thị xã ven đô Sài Gòn. Từ Thủ Biên, Sơn chạy tiếp vào Tây Ninh. Từ Tây Ninh, Sơn quay trở lại Thủ Biên rồi chạy đến Sài Gòn và kết thúc cuộc chạy trốn đúng lúc chính quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ.

Chính từ việc dựng lên cái lịch sử trốn lính kéo dài vài năm với đầy những vòng vo này, Nguyễn Một đã tạo được một “viết chiến tranh” rất riêng và ít thấy ở các nhà văn khác. Ví như Bảo Ninh với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, hay Vĩnh Quyền với tiểu thuyết “Mảnh vỡ của mảnh vỡ”, chẳng hạn: Hai tác giả này, cũng như nhiều người khác nữa, chỉ có thể nói được điều gì đó về chiến tranh bằng cách tung nhân vật của mình vào chiến tranh, đẩy họ ra chiến trường, bắt họ cầm súng chiến đấu cho phía bên này hoặc phía bên kia.

Còn Nguyễn Một lại nỗ lực để nhân vật chính không can dự chiến tranh, và từ cái tình thế không can dự nhưng vẫn bị chiến tranh làm cho khốc hại của chàng trai Trần Viết Sơn, nhà văn đã bộc lộ những hình dung ngổn ngang và sự suy ngẫm nhức nhối của mình về cuộc chiến. Hoặc có thể nói, ông cố gắng tìm kiếm những đáp án cho một câu hỏi: Chiến tranh là gì?

Chiến tranh là tàn sát, là hủy diệt cuộc sống ở mọi cấp độ. Từ cuộc sống bình yên của các làng mạc, các gia đình đến sự sống ở trên đời của mỗi cá nhân; từ tình yêu đầy thơ mộng của những lứa đôi đầu xanh tuổi trẻ đến ước mơ tươi sáng về những con đường phía trước của một lớp người lớn lên trong thời chiến, tất cả đều bị chiến tranh chém phập xuống, đứt lìa, hoặc cho nổ tung, vỡ vụn. “Mỗi lòng người một lý lẽ bất an/ Mỗi cái chết có một hình thức khác...”, thi sỹ miền Nam Nguyễn Tất Nhiên từng viết những câu thơ như vậy.

Nhưng trong tiểu thuyết của Nguyễn Một thì tuyệt đại đa số các cái chết đều chỉ có một hình thức, đó là chết vì bom đạn. Nhưng pháo rớt và đạn bay vu vơ, gây nên những cái chết oan khuất bất thình lình của dân thường, cũng có. Đạn bắn ra để trừng phạt hoặc trả thù cũng có.

Duy nhất chết sung sướng ở tiểu thuyết này có lẽ chỉ có một người, được nhắc tới khi hồi ức xa xôi dội về, đó là cái chết của ông tú Mại, cụ tổ họ Trần Viết của Sơn: Chết gục trên chiếu xóc đĩa ngay khi vừa thua tiếng bạc mất trắng cả ruộng vườn lẫn cô vợ bé xinh đẹp.

Sự sống của tình yêu tuổi trẻ trong chiến tranh cũng mong manh chẳng kém gì mạng người trước bom đạn. Mối tình học trò của Sơn và Diễm – bản thân hai cái tên này đã làm thành liên văn bản với một văn bản “kinh điển” của văn hóa xã hội miền Nam suốt những năm 1960, đầu những năm 1970: Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với tình khúc mê đắm trong “Diễm tuyệt hư ảo của những ngày xưa” bất hủ - là như thế.

Mối tình của Tâm, sĩ quan quân lực Việt Nam cộng hòa, anh trai của Diễm, với Trang, cũng là như thế. Những tình nhân ấy đã yêu nhau đắm đuối mà không ngờ rằng: “Mỗi đắm đuối chứa một mầm gian ác/ Mỗi đời tình có một thú chia tay...” (thơ Nguyễn Tất Nhiên).

Những tình nhân ấy đã không có được nhau trọn vẹn, và những gì mà rốt cuộc họ có được với nhau thì đều phải trả giá bằng một tuổi trẻ đầy nước mắt, bằng những quăng quật bầm dập với đời, bằng những cú đòn chí mạng mà chiến tranh và những dư chấn quá nặng nề của nó giáng xuống trên thân thể và trong tâm hồn họ.

Riêng với mối tình của Sơn và Diễm, dường như nhà văn Nguyễn Một đã dựng lên bằng toàn bộ sức mạnh của phẩm tính lãng mạn trong mình. Ông ướp đôi tình nhân trong những làn gió mát của sông Đồng Nai, trong tiếng chuông và tiếng kinh cầu của ngôi nhà thờ cổ, và nhất là trong hương hoa bưởi nồng nàn mà thanh khiết của đất Thủ Biên.

Chính cái mùi hương ấy đã lưu giữ những ký ức đẹp đẽ trong Sơn, để về sau này, trước khi tiểu thuyết khép lại, nó trở nên hóa thiêng với anh. “Sự hóa thiêng của nỗi buồn sương khói”, hay là sự thanh lọc tâm hồn sau bao mất mát, bao biến động mà chiến tranh đã tạo trên đời người.

Chiến tranh là vô lý, vô nghĩa và đầy những lọc lừa, dối trá.

Và ở tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của Nguyễn Một, nó ứng ngay vào gia đình Sơn: Bốn anh trai của anh đứng ở 2 phía. Và dù về bản chất chỉ là những người nông dân ngẫu nhiên bị cuốn vào sự đối kháng chứ không phải theo tự do lựa chọn của lý trí, bốn người họ cũng đã nã đạn vào nhau trong một trận đánh lúc nửa đêm.

Kết cục thật bi thảm, cái bi thảm của sự vô nghĩa: 3 người chết, người còn lại cũng tàn phế.

Điều kỳ lạ là cái kết cục bi thảm vô nghĩa, cái ngày tàn nghiệt ấy đã được người cha của họ, ông Ruộng, dự đoán ngay từ khi bốn đứa con rẽ theo hai ngả đường . Chính vì thế mà ông ra lệnh, và đã sắp xếp để Sơn, thằng út, bằng mọi giá phải chạy trốn. Một lịch sử trốn lính được bắt đầu như thế.

Nhân vật ông Ruộng, có thể nói, là hiện thể cho nhận thức của Nguyễn Một về sự tỉnh táo, trải đời của người nông dân, nhất là người nông dân xứ Quảng, cái mảnh đất mà bên này bên kia cứ ngày đêm cài vào nhau như răng lược.

Đọc “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” ta sẽ thấy ông Ruộng cứng cỏi đến thế nào khi bẻ gãy những nỗ lực thuyết phục của anh con trai cả, chiến sĩ quân giải phóng, khi anh xin cha cho Sơn “theo anh em vào rừng”.

Và cũng trong tiểu thuyết này, với một nhân vật gốc nông dân xứ Quảng khác - ông Trần Văn Duy, thiếu tá tiếp vụ của quân lực Việt Nam cộng hòa, anh em kết nghĩa của ông Ruộng - cái tinh thần cứng cỏi ấy còn trở nên thẳng tuột đến phũ phàng. Ấy là khi ông Duy phủ nhận lý tưởng “chiến đấu cho miền Nam Việt Nam tự do” của Tâm, con trai ông: “Chiến tranh là gian trá mà. Dân tộc ngu ngốc mới để chiến tranh xảy ra. Chiến đấu cái gì, quê hương cái gì? Vô nghĩa hết. Sự sống quan trọng nhất!”.

Sau này, khi nhà văn mượn lời nhân vật Hùng Hippie kể với Sơn: Ông Duy vốn làm giàu bằng việc lợi dụng chức vụ để tuồn hàng viện trợ của Mỹ bán cho “những người ở trong rừng”, thì cái quan điểm “chiến tranh là gian trá” mà ông nói ra miệng ấy, vô tình đã tạo thành liên văn bản với một mảng rất rộng các quan điểm tương tự trong văn chương thế giới.

Ví như văn hào Pháp Anatole France, với kết luận thản nhiên: “Chiến tranh là một cú áp-phe lớn”. Hay nhà văn Mỹ Joseph Heller, với nhân vật gã sĩ quan hậu cần Milo trong tiểu thuyết “Bẫy 22” nổi tiếng, kẻ chuyên chỉ đạo những chuyến buôn liên lục địa bằng đội máy bay chiến đấu, kẻ sẵn sàng ném bom quân mình và làm ăn với quân địch, miễn là có lời.

“Viết chiến tranh” của Nguyễn Một trong tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là một cái viết mang đậm âm hưởng bi, song cũng có những lúc hài. Cái hài ẩn lẫn trong cái bi.

Ở phương diện này, có lẽ Nguyễn Một là một trong số rất ít nhà văn Việt Nam đã bóc trần được cái yếu tính gian trá mập mờ, trắng đen bất định của chiến tranh. Và không chỉ trong thời chiến, nó còn lan sang cả thời hậu chiến, như một hệ lụy tất yếu trên đất nước mà con người đã phải gồng mình chịu đựng biết bao đau thương vì đạn bom và chia cắt.

Bình luận về tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của Nguyễn Một, nhiều người cho rằng ông đã từ bỏ lối viết hiện thực huyền ảo – như từng thể hiện ở hai tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” và “Ngược mặt trời” trước đó – để viết một tác phẩm hoàn toàn hiện thực, trần trụi hiện thực. Tuy nhiên từ “Đất trời vần vũ” và “Ngược mặt trởi” đến “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, có một yếu tố mà Nguyễn Một luôn kiên định, thậm chí nhấn mạnh như một niềm tin xác quyết, đó là khả năng nhìn thấu và xoa dịu những nỗi đau con người của tư tưởng Thiên Chúa giáo.

Có thể nói, tư tưởng Thiên Chúa giáo đã thấm ở phần lõi của cuốn tiểu thuyết chiến tranh buồn này. Nó đọng lại ở nhiều hình ảnh, nhiều phát ngôn, mà sâu sắc nhất, có lẽ là lời than trách mang chức năng cắt nghĩa đến nguyên ủy chiến tranh của nhân vật bà xơ/ dì Thục Hạnh: “Con người chúng ta đã đuổi Chúa ra khỏi cuộc đời. Chúng ta đọc báo hàng ngày, nhưng mấy ai đọc Kinh Thánh. Chúng ta nghe lời những nhà chính trị mà vì tham vọng đẩy mọi người vào cuộc chiến, chứ mấy ai nghe lời Chúa: “Hãy yêu người như yêu mình ta vậy”, chúng ta đòi hỏi phải để chúng ta tự quyết về cuộc đời của mình như con cái đòi rời bỏ cha mẹ, nhưng khi gặp khổ đau thì gào lên trách cha mắng mẹ”.

Không gian chiến tranh trong tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” nằm trọn ở Nam phần của đất nước thời kỳ còn chia cắt hai miền. Trong không gian chiến tranh ấy, Nguyễn Một đã nỗ lực tái hiện và tái kiến tạo diện mạo đời sống xã hội một thời. Ngoài bom đạn, chết chóc, ly tán, trốn chạy, trong không gian chiến tranh ấy, nhà văn vẫn chừa chỗ, rất rộng, cho thơ và nhạc của hai mươi năm văn nghệ miền Nam Việt Nam, như một sự quy chiếu liên văn bản giàu tính thẩm mỹ.

Rải suốt tác phẩm là những trích dẫn thơ của Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bắc Sơn..., những ca từ trong nhạc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh, Anh Bằng, Nhật Ngân, Đinh Miên Vũ... Tất cả vang lên, khi thì như sự tương hỗ, có lúc lại như tiếng đồng vọng với hoàn cảnh hoặc nỗi niềm của con người thời chiến. Hoặc, từ một phía khác, có thể xem đó như phần nhạc nền đầy ấn tượng của “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, một tiểu thuyết chiến tranh xuất sắc của văn chương Việt Nam trong khoảng hai mươi lăm năm đầu thế kỷ XXI.

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.