Theo WB, nếu không có các biện pháp phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.
2 hướng phát triển kinh tế mới
Phát biểu tại buổi Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển ngày 14/7, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam cho biết, các tác động của biến đổi khí hậu - chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn - đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng.
Các tính toán ban đầu cho thấy Việt Nam mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.
Thực tế, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, kết quả chuyển đổi kinh tế của đất nước sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả quản lý nguồn vốn tự nhiên – trữ lượng lớn các nguồn tài nguyên nông nghiệp, rừng và khoáng sản, đã từng giúp thúc đẩy quá trình phát triển tại Việt Nam.
Do đó, bà nhận định, khi Việt Nam cố gắng đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao thì chúng ta nên áp dụng mô hình phát triển nền kinh tế mới theo 2 hướng: thích ứng BĐKH và đưa ra giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu BĐKH.
“Song song, Việt Nam cần hướng tới tăng trưởng xanh hơn, cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội theo hướng tốt hơn, để đảm bảo có lưới an sinh phù hợp, đảm bảo thị trường lao động không có vướng mắc, người lao động dịch chuyển trong thị trường thông suốt từ công việc tạo ra mức phát thải cao sang mức phát thải thấp", bà Carolyn đặc biệt nhấn mạnh.
Chi phí, lộ trình thế nào?
Trình bày về vấn đề này, ông Muthukumara Mani, Chuyên gia trưởng về Kinh tế Môi trường, WB cho biết, để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040.
Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh vấn đề thích ứng và xây dựng khả năng chống chịu với BĐKH bởi điều này đòi hỏi chi phí không hề rẻ, khoảng 250 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, tương đương với khoảng 4,7 % GDP.
Bởi, không chỉ liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn liên quan tới những cải cách chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và sự phối hợp giữa khu vực tư nhân - Nhà nước, cho tăng được tính chống chịu của nền kinh tế trước tác động BĐKH.
Như vậy, cũng có nghĩa chúng ta sẽ cần phải có những biện pháp kích thích thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, thực hiện các giải pháp về mặt thích ứng đối với khí hậu, các cơ chế bảo hiểm để giúp cho nguồn tài chính có thể được đảm bảo, ông Muthukumara chia sẻ.
Từ đó, khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc thực hiện các hoạt động, ví dụ như đấu thầu xanh hay đầu tư xanh, làm sao để tăng cường hơn nữa tính chống chịu cũng như là hiệu quả của nền kinh tế.
Mặt khác, với lộ trình khử carbon, đưa Việt Nam tiến tới mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050. WB cho rằng cần đầu tư lớn vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp.
Cụ thể, các khoản đầu tư ngành sẽ cần được hỗ trợ bởi công cụ định giá carbon. Công cụ này sẽ thay đổi hành vi và giúp huy động vốn cho quá trình chuyển đổi. Ví dụ, việc tăng thuế carbon lên 29 USD trên mỗi tấn carbon dioxide tương đương (tCO2e) vào năm 2030 và 90 USD trên mỗi tCO2e vào năm 2040, sẽ tạo ra nguồn thu bổ sung 80 tỷ USD.
Trong lộ trình này, tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn 2022 – 2040 lên tới 114 tỷ USD, chủ yếu để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng (khoảng 64 tỷ USD), một phần cho công nghiệp, giao thông và nông nghiệp (17 tỷ USD) và các chương trình hỗ trợ xã hội (33 tỷ USD).
Các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà không làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP.