Thị trường logistics của Việt Nam đang rất hẹp
Chia sẻ tại “Logistics thúc đẩy liên kết ngành và nâng cao chuỗi giá trị” sáng 28/6, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, logistics đã tồn tại từ rất lâu và gắn liền với hoạt động đời sống cũng như trong nền kinh tế.
Nhắc lại thống kê logistics Việt Nam qua những con số, ông Hải cho biết thống kê của World Bank cho thấy Việt Nam xếp 43/155 nước và vùng lãnh thổ về chỉ số LPI; theo Agility - Việt Nam xếp 11/50 thị trường logistics mới nổi; còn theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển đạt 14-16% với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD mỗi năm.
Nói về số lượng doanh nghiệp, thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện có 43.568 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải kho bãi; có 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3PL (hậu cần bên thứ 3). Tuy nhiên, có đến 95% doanh nghiệp hoạt động là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đến thời điểm hiện tại, đa số các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam mới chỉ hoạt động ở trong phạm vi của đất nước.
“Số doanh nghiệp Việt Nam đi ra được nước ngoài – tức là thành lập được doanh nghiệp, thành công ty con, có văn phòng đại diện ở nước ngoài thì còn rất hạn hữu. Trong khi đó lại có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam lập văn phòng, lập chi nhánh, thậm chí công ty 100% vốn nước ngoài ngay trong lĩnh vực logistcis”, ông Hải nói.
Từ đó, ông Hải nhìn nhận thị trường logistics của Việt Nam hiện đang rất hẹp, do đó cần phải thúc đẩy các doanh nghiệp đi ra ngoài và tìm kiếm thị trường ở bên ngoài. Trước hết, đó có thể là thị trường của các nước láng giềng như là Lào, Campuchia, Myanmar cho đến Trung Quốc, Thái Lan… Đây đều là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Dù nhìn nhận lại, Việt Nam vẫn đang có những quan hệ hợp tác với một số đối tác ở nước ngoài, song theo ông Hải, chúng ta mới chỉ dừng lại ở quan hệ đại lý và mới chỉ đem lại cái giá trị gia tăng rất là nhỏ.
“Chúng ta đang rất thiếu những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đầu tàu để có thể tạo ra những xu hướng, tạo ra những con sóng, tạo ra những định hướng để lôi kéo và thúc đẩy dịch vụ logistics trong nước phát triển”, ông Hải nhìn nhận.
Ông Trần Thanh Hải cũng đánh giá, doanh nghiệp Việt chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, hạ tầng logistics kết nối với hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin cả trong nước và khu vực còn chưa cao. Chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện có sự cạnh tranh gay gắt hay thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong ngành.
Doanh nghiệp vẫn chịu cảnh chi phí logistics quá cao
Là ngành hàng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, bà Trần Hoàng Yến – Phó Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành thuỷ sản đang gặp vấn đề lớn về việc thiếu kho lạnh, nhất là khi cao điểm hoặc khi gặp khó khăn về thị trường.
Thực tế, kho đông lạnh bảo quản đóng vai trò không thể thiếu trong quy trình sản xuất, cung ứng thủy sản, đảm bảo chất lượng của sản phẩm thuỷ sản. Thậm chí, điều kiện bảo quản của kho lạnh quyết định đến chất lượng của sản phẩm thủy sản.
Hiện hầu hết các doanh nghiệp thuỷ sản đều phải đầu tư kho bảo quản đông lạnh để hoàn chỉnh quy trình, song bà Yến cho hay, công suất này thường chỉ đủ cho chính doanh nghiệp đó trong ít ngày sản xuất.
Hơn nữa, kho thương mại dịch vụ cho thuỷ sản đông lạnh xuất nhập khẩu chủ yếu ở miền Nam, còn miền Bắc và miền Trung vẫn còn hạn chế.
Về vấn đề vận chuyển, đại diện VASEP cho hay, thực tế ngành thuỷ sản vận chuyển trong nội địa chủ yếu bằng đường bộ, chưa có nhiều tuyến đường sắt và đường thuỷ. Chi phí cao, nhiều phát sinh và đây là vấn đề các doanh nghiệp thuỷ sản đều có kiến nghị.
Góp ý, ông Nguyễn Công Cường – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI), Chủ tịch Công ty NCC lại cho rằng, trong hệ thống logistics, đường bộ vẫn chiếm phần lớn trong việc vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên việc phát triển và duy trì đường bộ đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và bảo trì, từ việc xây dựng đường, cầu, cao tốc đến việc duy trì hệ thống giao thông.
“Chi phí này thường được chuyển cho người tiêu dùng thông qua giá cước vận chuyển, gây tăng chi phí cho hoạt động logistics”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, sự chưa đồng bộ trong hệ thống giao thông gây ra sự gián đoạn và lãng phí thời gian trong quá trình vận chuyển. Các bất cập như ùn tắc giao thông, thiếu cơ sở hạ tầng, quy định pháp lý không rõ ràng, công tác quản lý dẫn đến tăng thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa.
Là doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất công nghiệp, ông Cường đánh giá cơ sở hạ tầng bến bãi và đường xá cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý hàng hóa và vận chuyển.
“Tuy nhiên, việc thiếu đầu tư và bảo trì cơ sở hạ tầng này có thể gây ra hạn chế và trì hoãn trong quá trình logistics. Việc nâng cấp và cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ đòi hỏi sự đầu tư lớn và có ảnh hưởng đến chi phí logistics”, ông nói.
Bên cạnh đó, tỉ giá hối đoái biến động có thể ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa và dịch vụ liên quan đến logistics. Khi tỉ giá tăng lên, chi phí nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa cũng tăng lên do giá trị tiền tệ giảm so với đồng tiền của quốc gia xuất khẩu. Điều này có thể dẫn đến tăng giá thành hàng hóa và dịch vụ logistics, ảnh hưởng đến mức giá cuối cùng mà người tiêu dùng phải trả.