'Việt Nam, điểm trung chuyển tiền của tội pham quốc tế'?

'Việt Nam, điểm trung chuyển tiền của tội pham quốc tế'?

Thứ 7, 14/12/2013 09:57

"Những tổ chức tội phạm “dòm ngó” đến Việt Nam, coi Việt Nam như một nơi trung gian để trung chuyển tiền về cho các lãnh thổ, quốc gia khác", TS. Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhận định

Rửa tiền cũng như... “giặt quần áo”?

Có người chưa hiểu cho rằng Việt Nam là điểm đến của tội phạm rửa tiền. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nguyên tắc của rửa tiền bao giờ cũng có một động tác trung gian mà liên quan lớn nhất là hải quan và ngân hàng. Nguyên tắc rửa tiền cho sạch giống như giặt quần áo, giặt một lần không sạch vẫn có thể giặt nhiều lần. Rửa tiền cũng vậy, đồng tiền “chạy vòng vèo” qua nhiều quốc gia, chứ không phải điểm đến chỉ ở một nước. “Tiền bẩn” sẽ chạy đến khi nào... mất dấu vết thì có nghĩa đã được “rửa sạch”. Vậy thì Việt Nam có phải là điểm đến của tội phạm rửa tiền không? Việt Nam đôi khi là điểm cuối cùng nhưng có khi cũng chỉ là điểm trung gian trước khi tiền “chạy” sang một nước tiếp theo. Nguyên tắc là “chạy” càng nhiều thì càng xóa kỹ được dấu vết “tiền bẩn”.

Bất động sản - 'Việt Nam, điểm trung chuyển tiền của tội pham quốc tế'?

TS. Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.HCM.

Nước nào cũng có khả năng là nơi tội phạm rửa tiền thực hiện hành vi, kể cả các nước có luật pháp chặt chẽ, bởi “độ hở” vẫn có nếu quản trị không đảm bảo. Bởi thế, quốc gia nào có luật pháp “chặt” thì loại tội phạm này sẽ rửa tiền từ nước có “độ hở” về chính sách sang nước có luật pháp “chặt”. Cuối cùng quốc gia có luật pháp “chặt” có thể là nơi cuối cùng tiêu thụ “tiền bẩn”.

Việt Nam đã tham gia Hiệp ước Toàn cầu về phòng chống rửa tiền và có cục Chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước. Tôi nghĩ chúng ta không nên quá tự ti nghĩ rằng, Việt Nam là điểm đến của loại tội phạm này.

Tội phạm rửa tiền ngày càng tinh về cách thức, thủ đoạn. Theo nhận định của ông, cách thức rửa tiền nào đang được tội phạm này sử dụng phổ biến nhất hiện nay?

Các giao dịch tiền mặt phổ biến là một trong nguyên nhân khiến tội phạm rửa tiền tìm đến Việt Nam. Trong lịch sử, tội phạm rửa tiền có dưới dạng đầu tư nước ngoài, mua bán bất chấp lợi nhuận, “nhảy” vào chứng khoán, bất động sản. Đó là các thủ đoạn, mua đi bán lại, sau đó đồng tiền “chạy” qua ngân hàng và trở thành hợp pháp. Người ta mang tiền nhờ người khác gửi tiền, ngân hàng chấp nhận. Đến khi rút ra, tiền “bẩn” đã biến thành tiền “sạch” (lúc gửi vào nó “bẩn” nhưng đứng dưới tên người khác với khoản nhỏ thì người ta gọi là thuật “chẻ tiền” - PV). Chúng “chẻ” ra các khoản dưới mức phải khai báo để lọt qua sự ngăn chặn của cơ quan quản lý. Có thể các khoản nhỏ có thể lọt nhưng việc kiểm soát, ngăn chặn đang có tiến triển quyết liệt và tôi thấy có tín hiệu tốt.

Thực tiễn đấu tranh chống rửa tiền trên thế giới cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng của quốc gia là nơi tiềm ẩn những nguy hiểm, mang tính nhạy cảm, dễ bị các tổ chức tội phạm tấn công nhất, nhưng cũng chính là nơi có thể dễ dàng cho sự khám phá, điều tra, truy tố, đồng thời các khoản tiền cũng dễ dàng được thu hồi và tịch thu. Do vậy, trong luật này cần có thêm những quy định cụ thể để các tổ chức tín dụng trở thành các “phòng tuyến” vững chắc đầu tiên chống lại sự xâm nhập của các khoản tiền bất hợp pháp.

Bất động sản - 'Việt Nam, điểm trung chuyển tiền của tội pham quốc tế'? (Hình 2).

Ảnh minh họa.

Ngân hàng là “phòng tuyến” chống rửa tiền

Như ông vừa nói, cách thức rửa tiền phụ thuộc vào “độ hở” của chính sách, của pháp luật. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Rõ ràng, nếu tất cả các kẽ hở được bịt chặt thì làm sao tội phạm rửa tiền có cơ hội thực hiện hành vi đó được? Tuy nhiên, tham vọng của thế giới là pháp luật tất cả các nước đều “chặt”. Việt Nam cũng đã ký tham gia hiệp ước thì dù muốn hay không, chúng ta cũng phải làm. Cho nên hiện nay, chúng ta nhìn vấn đề ở thế động chứ không phải thế tĩnh. Rửa tiền, đô la hóa, vàng hóa, chiến tranh tiền tệ là những “viên đạn bọc đường” có thể gây nguy hại quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là nằm trong yếu tố kinh tế. Tiến triển chúng ta đã làm trong thời gian qua là khá tốt, chúng ta đã bắt đầu yêu cầu giao dịch, vay mượn đều phải chuyển khoản. Giao dịch đáng ngờ phải báo cáo, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua tài khoản sẽ lộ được nguồn gốc đồng tiền, tiến tới một bước nữa là mọi giao dịch đều kê hóa đơn, cộng với kê khai tài sản sẽ thít hơn các kẽ hở hiện nay.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp ngăn chặn tội phạm rửa tiền “dòm ngó” tại Việt Nam?

Thời gian qua, công tác phòng chống tội phạm rửa tiền cũng đã được các ngân hàng thương mại ở Việt Nam quan tâm. Trong tất cả các cơ chế về phòng chống rửa tiền, các ngân hàng thương mại là “phòng tuyến” tiên phong trong vấn đề phòng chống tội phạm này. “Phòng tuyến” này cũng đã có nhiều cố gắng nhưng thực tế vẫn chưa đầu tư đủ như về máy móc, con người, công nghệ thông tin để chặn các giao dịch về rửa tiền.

Thực tế, đối với các cơ quan chức năng, việc phòng, chống rửa tiền cũng còn tương đối mới mẻ so với các quốc gia khác trên thế giới. Chính vì thế với các cơ quan chức năng cũng cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ thông tin và con người. Bởi cơ quan chức năng là đơn vị thanh, kiểm tra những giao dịch có dấu hiệu của hành vi rửa tiền, việc tăng cường đầu tư, cũng như năng lực cần phải được nâng lên.

Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục, phổ biến cho người dân về vấn đề tội phạm rửa tiền hầu như bị bỏ ngỏ. Có thể, mọi người có được nghe về luật Phòng, chống rửa tiền, những tổ chức tội phạm “dòm ngó” đến Việt Nam, coi Việt Nam như một nơi trung gian để trung chuyển tiền về cho các lãnh thổ, quốc gia khác. Nhưng chưa có một chương trình chuyên biệt nào làm sâu, kỹ về vấn đề này. Người dân rất mơ hồ về loại tội phạm này, thậm chí từ nguyên gốc của hành vi này là “giặt tiền, thông qua một chiếc máy để biến đồ bẩn thành đồ sạch”, thì ở Việt Nam từ “rửa tiền” cũng chỉ mới xuất hiện. Ý thức người dân về tội phạm này còn rất thiếu, họ chưa biết những hành động nào được xem là hành động rửa tiền và những cách mà tổ chức tội phạm “rửa” như thế nào? Tiền nào là “tiền bẩn”? Tội phạm dùng hệ thống nào để chuyển tiền từ các tổ chức tội phạm buôn lậu, từ ma tuý, từ mại dâm, tham nhũng là “tiền bẩn”, qua hệ thống nào để trở thành “tiền sạch”?

Theo quan điểm của tôi, cần hạn chế các giao dịch, thanh toán sử dụng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt không phải là tiết kiệm tiền trong lưu thông mà quan trọng nhất là điều hành chính sách tiền tệ, để chống rửa tiền. Phải có hóa đơn trong giao dịch, mọi giao dịch phải qua tài khoản sẽ lộ ngay tiền đó lấy từ đâu về. Tất cả giao dịch có yếu tố nước ngoài phải minh bạch.

Xin cảm ơn ông!

Hương Lan - Đỗ Thơm 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.