So với một số nước trong khu vực, Việt Nam đứng sau Trung Quốc (91), Mông Cổ (76) và đứng trên Indonesia, Campuchia, Philippines và Lào.
Theo ông Karim Belayachi, đồng tác giả của báo cáo này thì trong 10 năm qua, Việt Nam đã giữ vững tốc độ cải thiện các quy định và môi trường kinh doanh và thực hiện 20 cải cách về thể chế trong hầu hết các lĩnh vực thuộc phạm vi đánh giá của báo cáo.
Nhờ cải cách về thương mại quốc tế, trong các năm 2011-2012, Việt Nam là 1 trong 10 nền kinh tế có mức chi phí xuất nhập khẩu tính trên 1 container thấp nhất. Trong TOP 10 này, chi phí cho xuất khẩu của Việt Nam là 610 USD/container, ở thứ 10, chi phí nhập khẩu là 600 USD/container, đứng thứ 6.
(Ảnh minh họa)
Trong 11 lĩnh vực được đánh giá, Việt Nam có 5 lĩnh vực xếp hạng tương đối khá, trên trung bình là cấp phép xây dựng xếp thứ 28, vay vốn tín dụng xếp thứ 40, thực thi hợp đồng có thứ hạng 44, đăng ký tài sản xếp thứ 48 và thương mại quốc tế xếp thứ 74.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại bày tỏ: "Tôi nghi ngờ trên thực tế, các lĩnh vực chưa được cải thiện thực sự như thứ hạng đạt được".
Chuyên gia Phạm Chi Lan đồng tình với đánh giá thứ hạng thấp ở các lĩnh vực như nộp thuế xếp thứ 138, tiếp cận điện năng xếp thứ 155, xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán xếp thứ 149 và yếu kém nhất là bảo vệ nhà đầu tư xếp thứ 169.
Theo bà, những đánh giá này phù hợp với tình trạng ngành điện Việt Nam còn độc quyền, chứng khoán, bất động sản đi xuống khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ chịu thiệt hại nhiều nhất.
Với lĩnh vực nộp thuế, doanh nghiệp Việt Nam có tổng thời gian nộp thuế là 872 giờ/năm, trải qua 32 lần đóng thuế và có tổng thuế suất bằng 34,5% lợi nhuận.
Nhìn nhận tổng thế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ: "Trong 10 năm qua, thứ hạng của Việt Nam hoặc ở cuối nửa đầu bảng xếp hạng, hoặc ở TOP đầu của nửa cuối, dưới mức trung bình của khu vực và thế giới. Điều đó cho thấy, Việt Nam chưa thay đổi được bao nhiêu trong sự cạnh tranh mạnh mẽ và sự nổi lên của nhiều nền kinh tế trong khu vực".
Khánh Tuân (tổng hợp/VEF)