Được biết, đầu tháng 11/2016, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi văn bản tới các nhà mạng di động (trong đó có Viettel), yêu cầu dừng toàn bộ chương trình khuyến mại nạp thẻ tới hết năm 2016 theo quy định hiện hành.
Lý do là bởi, qua theo dõi việc khuyến mại của các nhà mạng, Cục Viễn thông phát hiện tất cả doanh nghiệp (trong đó có Viettel) đã sử dụng hết số ngày được khuyến mại giảm giá của năm 2016 (theo quy định, mỗi doanh nghiệp viễn thông có 90 ngày để cung cấp dịch vụ khuyến mại cho người dùng nạp thẻ trong một năm).
Việc "phớt lờ" của Viettel khiến dư luận không khỏi bức xúc. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với đại biểu (ĐB) Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) để làm rõ hơn vấn đề này.
Vài ngày gần đây, nhiều khách hàng của Viettel nhận được khuyến mại 50% nạp thẻ trong ngày 30/11. Trước đó, Cục Viễn thông đã có văn bản yêu cầu ngừng toàn bộ khuyến mại di động đến đầu năm 2017. Ông có suy nghĩ thế nào trước sự “xé rào” quy định này?
Vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông – cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực thông tin truyền thông sẽ thanh, kiểm tra và xử lý. Nếu có văn bản yêu cầu dừng mà vẫn cố tình làm trái quy định thì xử phạt thật nặng.
Tôi cũng vừa nhận được tin nhắn khuyến mại nạp thẻ của đơn vị này. Tin nhắn đã rõ, nếu soi chiếu vào quy định của Bộ thì nhà mạng đã sai và cố tình vi phạm.
Tôi cho rằng, cần thanh, kiểm tra trước khi đưa ra kết luận. Bởi, cũng có thể trong trường hợp này, việc tiếp nhận thông tin chỉ đạo từ Cục Viễn thông của Viettel có sự trục trặc nào đó. Nếu có sai phạm sẽ tiến hành xử phạt lần đầu. Còn nếu như sau xử phạt lần đầu mà vẫn cố tình tái phạm thì sẽ xử phạt ở mức độ nặng hơn.
Phải chăng, doanh thu từ nguồn khuyến mại này quá lớn khiến các nhà mạng bất chấp việc xử phạt, thưa ông?
Có thể mức xử phạt vi phạm hành chính là chưa đủ răn đe. Nếu thấy tái phạm nhiều lần, cơ quan quản lý cần tham mưu để nâng mức xử phạt lên, tương đương với những hậu quả, thiệt hại từ hành vi sai phạm để đảm bảo được hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.
Đây là điều cần phải tính toán kỹ. Mức xử lý như thế nào cần có đánh giá từ khảo sát thực tế, cả phía người vi phạm và cơ quan chức năng.
Có ý kiến cho rằng, Viettel khuyến mại bất chấp việc bị “tuýt còi” sẽ tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. Điều này gây nguy hại như thế nào, thưa ông?
Thực ra, khuyến mại cũng là một trong những chiêu thức thu hút khách hàng và là hoạt động bình thường trong kinh doanh. Vấn đề cần chú ý ở đây là phải làm sao đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không được phá giá, lấy doanh thu lớn chèn ép thị phần nhỏ.
Không thể có chuyện "ông lớn" liên tục giảm giá, lấy hết thị phần của các nhà mạng khác. Do đó, quản lý Nhà nước cần đảm bảo bình đẳng trong sản xuất kinh doanh, tránh việc thâu tóm vào một vài doanh nghiệp dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép người tiêu dùng. Nhiều hậu quả lớn hơn về mặt kinh tế mà chúng ta không tính trước được.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất mạnh tay xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này. Tôi cho rằng, đó là tín hiệu tốt nhưng cũng cần có những biện pháp cụ thể và mạnh tay hơn nữa. Sự phát triển của lĩnh vực này đã đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng xen kẽ là những phức tạp nảy sinh, do đó, cần xem xét để điều chỉnh.
Nhất là thời gian qua, khuyến mại sim trả trước tràn lan. Đây là vấn đề còn nhiều tồn tại nên cần xem xét để có ý kiến trước Quốc hội. Sim rác, quảng cáo, lộ thông tin cá nhân... là những điều khiến dư luận bức xúc. Ngay như sim điện thoại của tôi liên tục bị làm phiền bởi các tin nhắn bán nhà, bán đất. Do vậy, cần làm sao để quản lý được tốt hơn, chấn chỉnh một cách triệt để.
Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu (thực hiện)