Khó khăn trong việc quản lý xe đưa đón học sinh
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, đại diện bộ GTVT cho biết: “Hiện Việt Nam chưa có quy định riêng cho xe đưa đón học sinh bởi đây chỉ là một loại hình kinh doanh hợp đồng. Các xe đưa đón học sinh hiện nay có thể do trường đầu tư và đăng ký dưới dạng xe vận chuyển nội bộ, hoặc kí hợp đồng với một đơn vị vận tải và tài xế.
Sau đó, đơn vị cung ứng dịch vụ phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe kinh doanh, được cơ quan chức năng cấp phép kinh doanh, cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải trước khi hoạt động. Sự việc cháu bé tử vong không phải do thiếu quy định, đây hoàn toàn do yếu tố khách quan và cụ thể là ý thức lái xe và nhân viên nhà trường, các nhân viên quá tắc trách”.
Vị này cũng nhấn mạnh: “Để hình thức đưa đón học sinh bằng ô tô đạt được tối đa hiệu quả thì việc nâng cao nhận thức của nhà trường khi kí hợp đồng với đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải là rất quan trọng. Phía nhà trường phải tìm hiểu kĩ xem đơn vị vận tải đó có đăng kí kinh doanh hay không, có tính pháp lý hay không, có đảm bảo điều kiện kinh doanh lĩnh vực đó hay không,... để từ đó lựa chọn được đơn vị vận tải phù hợp nhất”.
Đại diện bộ GTVT cũng cho biết: “Các xe chở học sinh hiện nay nhà trường đều hợp đồng với phụ huynh và có thu thêm tiền đưa đón nên xe này thuộc diện xe hợp đồng chở khách, phải đăng ký kinh doanh theo nghị định 86”.
Cụ thể, nghị định 86 quy định, với xe hợp đồng chở khách có tải trọng thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị/chủ xe kinh doanh phải thông báo tới sở GTVT hành trình, số lượng khách, điểm đưa đón, trả khách. Đặc biệt, xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình để các cơ quan chức năng nắm lộ trình xe.
Bé trai lớp 1 trường Gateway tử vong trên ô tô chạy dù
Thông tin đến phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Đào Việt Long - Trưởng phòng Vận tải (sở GTVT Hà Nội) cho biết, qua kiểm tra dữ liệu quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, chiếc xe trên chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó kiểm soát đối với lái xe cũng như phương tiện.
Theo hệ thống dữ liệu đăng kiểm, chiếc xe Ford Transit 16 chỗ BKS 29B-069.56 thuộc sở hữu của ông Đoàn Quý Phiến và được đăng kiểm lần gần đây nhất vào ngày 18/4/2019 và hết hạn đăng kiểm ngày 17/10/2019.
Theo ông Long, từ vụ việc không may xảy ra với cháu bé 6 tuổi tại trường tiểu học Gateway, chúng ta cần sớm ban hành một tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với hoạt động của các phương tiện vận chuyển, đưa đón học sinh. Trong đó lưu ý vào những tiêu chuẩn liên quan đến điều kiện thực tế của Việt Nam như: màu sắc của xe, phạm vi hoạt động ưu tiên, các thiết bị an toàn trên phương tiện,...
Ông Long cho biết thêm: “Do số lượng xe đưa đón học sinh ở Hà Nội rất nhiều nên hàng năm sở GTVT đều có văn bản gửi sở GD- ĐT và các quận, huyện tổng hợp số lượng phương tiện đưa đón học sinh. Có nơi sử dụng xe quá đát, xe hết niên hạn, sở GTVT đã yêu cầu kiểm tra, xử lý và chấm dứt hoạt động của những phương tiện này”.
Cùng trao đổi về vấn đề này, đại diện cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành ở nước ta, hiện không có tiêu chuẩn kỹ thuật riêng đối với ô tô chở học sinh. Vì vậy khi kiểm định, chỉ cần đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn chung của xe chở người sẽ được cấp chứng nhận kiểm định để lưu thông.
Việc xe có đăng ký kinh doanh, gắn phù hiệu hay không do cơ quan có chức năng quản lý vận tải thực hiện. Khi đưa xe đi đăng kiểm, lái xe có trách nhiệm kê khai đúng về thực tế của xe (có kinh doanh vận tải hay không), trên cơ sở đó trung tâm đăng kiểm kiểm tra, đánh giá các điều kiện an toàn kỹ thuật của xe.
Để ngăn ngừa những vụ việc tương tự có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học bằng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô do nhà trường tổ chức, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục các tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định pháp luật.
Ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ô tô.
Trên xe phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ô tô.
Tiến hành tổ chức kiểm tra, rà soát các trường học sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa đón học sinh; yêu cầu các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ quy định về ATGT đối với phương tiện, người lái.
Đồng thời, phối hợp với sở GTVT kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về ATGT đối với các đơn vị vận tải có hợp đồng đưa đón học sinh; chấm dứt hợp đồng và xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về ATGT và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng đưa đón học sinh bằng xe ô tô.
Nguyễn Lâm