Đề nghị xử lý nhanh
Ngày 25/11, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký đề nghị UBND quận Tân Phú, TP.HCM nhanh chóng thực hiện giải quyết tố cáo, kết luận tố cáo và thông báo kết quả xử lý của bà N.H.H với bà Đỗ Thị Sửu, Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP.HCM.
Liên quan vụ cô giáo N.H.H đánh học sinh, được phụ huynh đặt camera quay lén trong lớp học, khiến dư luận bức xúc. Từ đó, UBND quận Tân Phú kỷ luật cô giáo bằng cách quyết định cho cô N.H.H nghỉ việc.
Không đồng tình với quyết định này, cô giáo H. đã gửi đơn cứu xét tới các cơ quan chức năng, báo chí truyền thông từ trung ương đến địa phương. UBND TP.HCM đã nhận đơn và chỉ đạo làm rõ.
Trong đơn cứu xét của mình gửi đi cơ quan chức năng, cô N.H.H cho rằng, hình thức kỷ luật buộc thôi việc với cô là quá nặng.
Từ trước đến nay cô chưa bị hình thức kỷ luật nào. Trong khi đó, với việc đánh học sinh tại trường là có, cô nhận lỗi. Tuy nhiên, cô cho rằng, các động tác cô đánh liên tục học sinh được cắt ghép, chỉnh sửa rồi được tung lên mạng gây bức xúc dư luận.
Cô H. cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ vụ việc, nhất là cô hiệu trưởng nhà trường có trù dập giáo viên hay không?
Khi mà cô H. chính là người tố cáo hiệu trưởng có nhiều sai phạm, đã được Thanh tra quận Tân Phú kết luận có nhiều sai phạm. Và đến nay chưa được xử lý.
Ngoài ra, việc hiệu trưởng sai phạm, trong thời gian chờ xử lý, nhưng lại ký quyết định cho cô H. thôi việc.
Như vậy, người bị tố cáo đi ký quyết định kỷ luật cho thôi việc người đi tố cáo là sai hoàn toàn theo quy định của pháp luật. Điều này cần làm rõ.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, thông tin mới nhất là vị phụ huynh đặt camera quay lén không có con học trường tiểu học Phan Chu Trinh.
Và, sau khi gửi đơn cứu xét lần thứ nhất chưa được xử lý, mới đây cô H. tiếp tục gửi tới các cơ quan chức năng để được làm rõ sự việc.
Cần hủy bỏ quyết định kỷ luật với cô H.
Cụ thể, theo đề nghị của UBND TP.Hồ Chí Minh, UBND quận Tân Phú phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan thuộc phòng GD&ĐT quận Tân Phú.
Trong việc phát hiện hành vi vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài chính tại trường tiểu học Phan Chu Trinh nhưng đã không tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND quận Tân Phú xem xét, xử lý theo quy định.
Đồng thời, quận Tân Phú phải kiểm tra, xác minh việc nhà trường hạ thấp mức lương giáo viên hợp đồng so với thực lĩnh kể từ tháng 8/2018 trở về sau, làm ảnh hưởng quyền lợi nhân viên…
Đặc biệt, UBND quận Tân Phú phải có văn bản trả lời cho bà N.H.H, về việc có hay không chuyện bà Đỗ Thị Sửu lợi dụng quyền lực và phụ huynh học sinh để trù dập người tố cáo là bà N.H.H.
Chia sẻ với PV, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch hội Luật gia TP.HCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) cho rằng, dựa theo luật tố cáo, nếu cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Sửu đã có kết luận từ Thanh tra quận Tân Phú về một số sai phạm và đang chờ xử lý.
Nhưng cô Sửu vẫn ký quyết định kỷ luật cô giáo N.H.H, giáo viên đi tố cáo mình là hoàn toàn sai theo quy định của luật tố cáo.
Cũng theo luật sư Hậu, cơ quan chức năng phải vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc, có hay không chuyện người bị tố cáo đi “trù dập” người tố cáo, buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật với cô H.
Sau đó, cơ quan chức năng, cụ thể là phòng GD&ĐT quận Tân Phú, UBND quận Tân Phú lập hội đồng kỷ luật, sau đó xem xét và có hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật về luật viên chức đối với cô N.H.H.
Báo điện tử Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.