Nhờ nâng 1 môn, tiện tay nâng nốt 2 môn còn lại
Ngày 17/10, TAND tỉnh Sơn La bước sang ngày thứ 3 xét xử công khai vụ gian lận thi cử gây rúng động tại địa phương này.
Sau phần thẩm vấn của HĐXX và VKS, lần lượt các vị luật sư đặt câu hỏi với các bị cáo và người tham gia tố tụng khác để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh (bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến – nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) đặt câu hỏi với bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí):
“Theo bị cáo khai, trước kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, bị cáo Yến gọi bị cáo sang phòng hỏi nếu sửa điểm thi thì làm thế nào? Bị cáo có căn cứ nào chứng minh, cụ thể là vào thời điểm nào, địa điểm ở đâu và ai chứng minh?”.
Bị cáo Nga trả lời: “Trước thời điểm thi 15 ngày, bị cáo Yến gọi tôi đến phòng hỏi, trong phòng không có ai ngoài tôi và bị cáo Yến”.
Khi được luật sư yêu cầu bị cáo Nga trình bày rõ về phương thức sửa điểm cho các thí sinh, mọi người mới giật mình khi biết bị cáo này không hề chấm bài thật của các thí sinh mà tự thực hiện theo 2 cách riêng của bị cáo.
Đó là, đối chiếu đáp án để sửa từng câu; câu nào sai tẩy đi, dùng bút chì tô lại vào ô đáp án đúng, sao cho số điểm đạt được đúng với số điểm được nhờ nâng. Hai là, tẩy toàn bộ ô tròn phần trả lời rồi tô lại phần trả lời theo đáp án đúng.
Giật mình hơn nữa, quá trình trả lời câu hỏi của luật sư Kim Thanh mới lộ việc, có thí sinh nhờ nâng điểm 1 môn, vì sợ 2 môn khác của thí sinh bị điểm liệt nên “tiện tay” bị cáo Nga nâng nốt 2 môn còn lại.
“Tối ngày 29/6 và 30/6, bị cáo Yến có chỉ đạo các bị cáo rút bài nâng điểm không?” – Luật sư Thanh đặt câu hỏi. Bị cáo Nga thừa nhận là bị cáo Yến không chỉ đạo.
Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khai bị mớm cung
Trả lời câu hỏi của luật sư Kim Thanh, bị cáo Trần Xuân Yến khai bị ép cung, mớm cung trong giai đoạn điều tra.
Bị cáo Yến dẫn chứng: Trong 1 số biên bản ghi lời khai, hỏi cung, điều tra viên ghi không đúng lời khai của bị cáo. Về việc này, HĐXX có thể so sánh biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung với biên bản tự khai trong cùng 1 ngày là khác nhau.
“Ngày 20/7/2018, làm việc tại cơ quan điều tra, bị giữ lại 3 ngày khiến bị cáo khủng hoảng về tinh thần. Trong các biên bản lấy lời khai, bản tự khai, bị cáo đều khai là nhờ xem điểm, nhưng điều tra viên lại ghi là nâng điểm”, nguyên Phó Giám đốc sở nói.
Cũng theo lời khai của bị cáo Yến, vào ngày 16/11/2018, sau khi đọc lại biên bản hỏi cung, thấy điều tra viên ghi không đúng lời khai của mình, bị cáo Yến đã đề nghị ghi đúng lời khai của bị cáo, nhưng điều tra viên không ghi lại mà bắt bị cáo ghi lời khai bổ sung.
Chưa hết, một số biên bản tự khai, bị cáo Yến bị bắt chép từ tài liệu cơ quan công an cung cấp.
Lấy dẫn chứng ngày 21/2/2019, bị cáo Yến ghi rõ “lời khai dưới đây được chép từ lời khai trước do điều tra viên cung cấp”.
“Sau đó, cán bộ đề nghị xóa từ chép, thay bằng từ ghi. Các mẫu biên bản này đều do cơ quan điều tra cung cấp, không phải ý chí của bị cáo”, Trần Xuân Yến nói.
Trả lời câu hỏi của luật sư Thanh, bị cáo Yến một lần nữa khẳng định: “Ông Hoàng Tiến Đức – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đưa danh sách 8 thí sinh nhờ bị cáo xem điểm. Bị cáo đưa lại danh sách này cho bị có Nga, sau đó không quan tâm đến các nội dung khác”.
Với vai trò là Tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, bị cáo Yến khẳng định đã làm đúng trách nhiệm được giao.
Theo lời khai của bị cáo Yến, việc niêm phong bài thi được điều chỉnh bởi Thông tư số 04/2017, Công văn số 991 hướng dẫn thực hiện quy chế thi THPT Quốc gia. Căn cứ vào các văn bản này, bị cáo Yến không thấy nội dung nào quy định phải niêm phong ngay bài thi sau khi quét.
Bị cáo Yến nói: “Làm công chức nhà nước, bị cáo làm theo các văn bản quy phạm pháp luật”.