Ông Lương cho biết: Trên cơ sở thông tin nắm được, ngành giáo dục đã phối hợp với công an địa phương điều tra vụ việc. Cả em học sinh bị đánh và 5 em đánh hiện đang là học sinh lớp 7 trường THCS Minh Tân.
Nguyên nhân là hai học sinh lớp 11 thường xuyên chặn đường trấn lột tiền các em kém tuổi ở trường Minh Tân. Nhóm học sinh đánh bạn bị hai anh lớn dọa, xúi giục "xin" tiền bạn.
Tại cơ quan công an, các em đã khai nhận toàn bộ hành vi đánh bạn là do học sinh này không nộp tiền cho các anh. Hai học sinh cầm đầu, xúi giục hiện đang học lớp 11 trường THPT Trần Quang Khải và THPT Nhị Chiểu 2. Tại cơ quan công an, Huy - một trong hai người xúi giục đã khai nhận nhiều lần chặn đường Long để xin tiền. Đến ngày 10/10, nam sinh không nộp tiền nên Huy bảo các bạn cùng lớp đánh Long.
Khi được hỏi về hình thức kỷ luật đối với các em học sinh trên, ông Lương cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang cân nhắc và sẽ có hình thức xử lý sao cho phù hợp. Quan điểm chung là chúng tôi yêu cầu làm nghiêm. Tuy nhiên, mình là cơ quan giáo dục nên hình thức xử lý làm sao vừa răn đe giáo dục các em đó cũng như các em khác nhưng cũng phải tăng cường phối hợp giữa gia đình và địa phương để quản lý các em.
Cũng phải nói thật, các em này cũng không ngoan lắm nên cũng cần có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để tránh những suy nghĩ tiêu cục ở các em”.
“Đã đến lúc ngành giáo dục và xã hội phải vào cuộc mạnh mẽ. Trước tiên, dưới góc độ gia đình, phụ huynh có trách nhiệm lớn nhất trong việc giáo dục con cái. Những người làm cha làm mẹ cần dành thời gian chia sẻ với con. Hơn ai hết, cha mẹ là người hiểu con nhất.
Khi bước vào trường học, con đã đi từ xã hội thu nhỏ là gia đình ra xã hội rộng lớn hơn là trường học, với các mối quan hệ thầy cô, bạn bè. Mỗi khi phát hiện về việc con mình tham gia các vụ ẩu đả, rất nhiều người lao vào mắng, thậm chí đánh con. Điều này không hề tốt, sẽ tiếp tục tạo ra một tâm lý bạo lực lên đầu con trẻ", vị này nói.
Cũng trao đổi về vụ việc, cô Mai Thu Lương – Giảng viên môn Tâm lý học tại một trường cao đẳng ở Hà Nội cho rằng: “Qua báo đài và mạng xã hội, chúng ta có thể thấy tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Nhưng, clip về bạo lực học đường được lan truyền trên mạng xã hội ngày càng nhiều mà không có dấu hiệu thuyên giảm.
Các em muốn giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm nhiều hơn là ngồi lại nói chuyện với nhau. Sau đó quay lại và đưa lên mạng như một trào lưu.
Dưới góc độ nhà trường, từ trước đến nay, việc giáo dục về bạo lực học đường chưa phải chưa được nhắc đến nhưng tôi cho rằng nhiều nơi chưa làm tới. Tôi lấy ví dụ, có nhiều nơi học sinh lên cấp 2 mới dạy cho các cháu về bạo lực học đường. Nhưng thực tế cho thấy, muốn rèn được con trẻ thì phải làm càng sớm càng tốt. Có nghĩa ngay từ khi học cấp 1, trong những tiết học hay giờ ngoại khóa giáo viên cần xen kẽ truyền đạt cho các con những kiến thức cần thiết”.
Cũng theo bà Lương, các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cần quy định cụ thể dành cho các trường. Ví như, không công nhận danh hiệu thi đua tập thể nhà trường và cá nhân hiệu trưởng; hoặc cách chức và không bổ nhiệm lại hiệu trưởng ở những trường học năm nào cũng có học sinh đánh nhau nghiêm trọng. Không xét các danh hiệu thi đua cho Bí thư Đoàn, giám thị và giáo viên chủ nhiệm trong năm học có học sinh đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường.
Trước đó, ngày 25/10, mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip một em học sinh bị 5 em khác chặn đánh giữa đường. Ngay sau đó, Sở GD&ĐT Hải Dương đã vào cuộc yêu cầu làm rõ vụ việc.
Công Luân