Vụ tai nạn lật nhiều toa tàu Bắc Nam ở địa phận tỉnh Thanh Hóa khiến 2 người tử vong là lái tàu và phụ tàu, hàng chục hàng khách bị thương, hoảng loạn, chưa hết sức nóng thì vụ 2 tàu hỏa tông trực diện, nhiều toa tàu lật nghiêng ở Quảng Nam lại tiếp tục khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu ngành Đường sắt.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để khắc phục tai nạn giao thông ngành Đường sắt.
“Cơ quan điều tra cần sớm làm rõ nguyên nhân từ đâu, lỗi do ai để quy trách nhiệm rõ ràng và xử lý nghiêm minh. Nếu do lỗi của ngành Đường sắt thì chắc chắn sẽ có xử lý với lãnh đạo đầu ngành”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
Về việc có hay không sự lơ là của nhân viên gác barie, cơ quan công an đang điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu thực trạng, hiện, có nhiều nơi trạm barrie bị thiếu, hạn chế cơ sở vật chất, người trực trạm thiếu tinh thần trách nhiệm, mất cảnh giác.
“Tôi nghĩ rằng, dù kết quả điều tra như thế nào thì chắc chắn có trách nhiệm của người đứng đầu ngành Đường sắt. Bởi, có quản lý yếu kém mới khiến những vụ tai nạn nghiêm trọng như vậy xảy ra. Và, về mặt quản lý Nhà nước, người đứng đầu chịu trách nhiệm khi có những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trong lĩnh vực mình phụ trách”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Cũng theo vị ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, ngành Đường sắt đã biểu hiện xuống cấp về cơ sở hạ tầng từ lâu, chỉ đạo, điều hành, quản lý yếu kém, có vấn đề. “Hạ tầng xuống cấp, phương tiện cũ kỹ, nên khi có biến lớn thì không phản ứng kịp thời”, ông Hòa nói.
“Nhân viên gác barie ở đâu, làm gì ở thời điểm tai nạn xảy ra để xe ô tô băng qua đường đúng lúc tàu tới? Nếu thực sự thời điểm đó, nhân viên không có mặt hoặc có mà lơ là mất cảnh giác, chủ quan thì cần xem xét xử lý chức vụ của người đứng đầu khi quản lý, điều hành cán bộ, nhân viên ngành mình quản lý. Cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, tùy sai phạm ở mức độ nào mà xử lý thích đáng, thậm chí nếu nghiêm trọng có thể cách chức người đứng đầu ngành Đường sắt. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở thiếu và yếu nên mới để xảy ra tai nạn thương tâm”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
“Nếu cảm thấy thực trạng tai nạn thương tâm do lỗi chủ quan của ngành mà không khắc phục được kịp thời thì người đứng đầu có cố ngồi lại chiếc ghế của mình cũng khiến nhân dân mất lòng tin. Nếu làm việc tận tâm, tận lực thì không bao giờ có những câu chuyện đau lòng này. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho nhân viên, cho khách quan, mà phải có trách nhiệm liên đới. Cũng như việc để cơ quan xảy ra tham nhũng, lãng phí, lơ là thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, ĐBQH Hòa nói thêm.
ĐBQH Phạm Văn Hòa nhìn nhận, thời gian qua, việc xử lý người đứng đầu còn chưa triệt để, đa phần mới chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phê bình… là nhẹ. Cần triệt để xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra sai phạm với các hình thức buộc thôi việc, cho thôi chức.
“Hy vọng, sau khi có nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ lần này, việc quy trách nhiệm người đứng đầu sẽ rõ ràng hơn, thậm chí kỷ luật cách chức để không tái diễn những trường hợp vi phạm. Nếu không xử lý nghiêm, không chỉ ngành Đường sắt mà sẽ có nhiều trường hợp khác ở các ngành khác tiếp tục vi phạm. Nếu chỉ rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ thì tôi nghĩ không nghiêm minh và không biết khi nào phát triển tiến bộ được”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.