Sáng hôm 28/6 vừa qua, khi đang học trực tuyến, nam sinh tên N.V.T., sinh viên Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech), có hành vi khỏa thân, quan hệ với bạn gái mà không tắt camera.
Tình huống xảy ra bất ngờ, giảng viên đứng lớp nhanh chóng nhắc nhở và tắt camera của nam sinh nhưng một sinh viên khác đã kịp ghi lại. Đoạn video trên bị lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.
Theo Dân trí, chiều cùng ngày đại diện trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho biết vụ việc trên xảy ra trong một buổi học trực tuyến (online) của trường.
Theo vị này, sau khi clip bị phát tán, nam sinh viên đã có email xin lỗi nhà trường, thầy cô và bạn bè. Ngoài việc nhận lỗi về mình do bất cẩn, sinh viên này cũng mong được tha thứ và xin mọi người đừng lan truyền hình ảnh, clip này nữa.
Đại diện trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho biết: "Hiện nam sinh này đang khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng. Do đó, nhà trường cũng tạm thời không thể chia sẻ gì về thông tin cá nhân hay các thông tin liên quan khác xung quanh chuyện này".
Xoay quanh câu chuyện "sốc" này, trả lời trên báo Thanh niên, Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cho rằng đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh để việc dạy và học trực tuyến đi vào quy củ, nghiêm túc hơn, có chất lượng hơn.
Theo ông An, sự việc trên đã chỉ ra một bất lợi trong việc học trực tuyến. Đó là đôi khi giảng viên chăm chú vào bài giảng mà không có được sự quản lý bao quát lớp học. Để rồi câu chuyện "nhạy cảm" đã xảy ra.
"Có thể đó là sự cố của nam sinh viên. Nhưng nếu là sự cố, cũng như qua lời thầy giáo nói trong video "học trực tiếp thì nó ngồi bàn cuối nó gặp nhau nó ôm nó hôn" cũng là minh chứng chỉ ra một thực tế hiện nay là có một bộ phận sinh viên chểnh mảng, lơ là, và không có ý thức tự giác học tập nghiêm túc", ông An nói.
Còn theo Vietnamnet, Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng để xảy ra tình trạng sinh viên làm chuyện nhạy cảm khi học online cần nhìn nhận ở cả hai phía.
Thứ nhất, đối với sinh viên cần có ý thức về thái độ và tính nghiêm túc trong giờ học online, phải xem nó như một giờ học chính. Như vậy phải có sự chuẩn bị cho góc học tập, không gian để học online gọn gàng, sạch sẽ, trật tự hạn chế người qua lại.
Thứ hai, đối với giảng viên lên lớp phải nhắc nhở những điều “cần tránh trên” trước khi bắt đầu giờ giảng online. Ngoài ra, trước khi kết thúc giờ học, giáo viên cũng nên nhắc nhở các em tắt camera.
Theo ông Thưởng, để rèn luyện ý thức cho sinh viên không phải là câu chuyện ngày một ngày hai mà cần giáo dục sinh viên từ ngày đầu vào tuần sinh hoạt công dân đầu khoá. Việc làm này “mưa dầm thấm lâu”, khi sinh viên bắt đầu có hành vi thiếu tôn trọng là nhắc ngay, có thể trực tiếp hoặc thông qua những câu chuyện có thật để giáo dục và ngăn ngừa.
Liên quan đến sự việc trên theo Zing, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng, vụ việc này đã làm rõ một vấn đề bất cập là "năng lực số" của nhiều học sinh, sinh viên còn kém. Ví dụ, trong vụ việc trên, N.V.T. có thể không ý thức được giảng viên có thể quản lý, tùy chỉnh camera và micro của sinh viên.
Chưa kể, việc này cũng để lộ nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý, dạy học online. So với học trực tiếp, các lớp học trực tuyến bị hạn chế về mặt tương tác, khiến học sinh nhàm chán, dễ mất tập trung, dẫn đến việc ngủ quên hoặc làm việc riêng khi giáo viên đang giảng bài.
"Chính những tiết học nhàm chán, thiếu tương tác đã gây ra những hành vi lệch chuẩn ở học sinh, sinh viên", Tiến sĩ Nam nhận định.
Các nhà trường cần đẩy mạnh công tác quản lý, thiết lập một số quy định cho giáo viên, sinh viên khi dạy, học online. Đồng thời, các giáo viên, giảng viên cần được tập huấn các kỹ năng giảng bài trực tuyến và xử lý các sự cố khi lên lớp.
Ví dụ, trong tình huống của nam sinh T., giáo viên đứng lớp phải là người đầu tiên đứng ra xử lý khủng hoảng, quán triệt sinh viên không được phép ghi hình, tung hình ảnh, video lên mạng.
Ngoài ra, học sinh, sinh viên cần được phổ cập các quy tắc ứng xử trên không gian mạng, cụ thể là vấn đề phát tán hình ảnh, video nhạy cảm của người khác. Trong một số trường hợp, phát tán hình ảnh, video của người khác khi chưa được phép có thể bị quy vào hành vi vi phạm pháp luật.
Tiến sĩ Nam cho rằng, khi việc dạy học online trở nên phổ biến, nhà trường càng phải biến các quy tắc ứng xử trở thành "văn hóa" trong dạy và học, biến nó trở thành "hơi thở của cuộc sống".
"Càng đưa cuộc sống thật lên thế giới ảo, con người càng phải sống thật, tức là phải có đạo đức thật, giá trị thật. Thậm chí, con người cần nghiêm khắc với bản thân hơn cả đời sống thật", Tiến sĩ Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Quốc Tiệp (t/h)