Công ty đấu giá bị thiệt hại thế nào?
Theo cáo trạng VKSND Tp.Hà Nội xác định, ngày 30/11/2024, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn và UBND huyện Sóc Sơn (gọi tắt Trung tâm) có Văn bản gửi Cơ quan CSĐT - Công an Tp.Hà Nội đề nghị điều tra làm rõ các đối tượng có hành vi thông đồng nâng giá cao bất thường trong phiên đấu giá đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn.
Trước đó, UBND huyện Sóc Sơn ban hành Quyết định đấu giá 58 thửa đất có diện tích từ 90-224m2; giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m2; tiền đặt cọc từ 44 - 111 triệu đồng (20% giá trị thửa đất theo giá khởi điểm) và giao Trung tâm tổ chức thực hiện đấu giá.

Khu đất đấu giá tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn.
Ngày 7/11,Trung tâm ký hợp đồng dịch vụ với Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân (gọi tắt là Công ty đấu giá). Nội dung hợp đồng quy định, trong trường hợp đấu giá thành thì Công ty đấu giá sẽ được hưởng hơn 28 triệu đồng + 1% phần chênh lệch theo giá trúng với giá khởi điểm.
Trường hợp không thành thì hai bên tiến hành nghiệm thu công việc, Trung tâm sẽ thanh toán cho Công ty đấu giá khoản chi phí thực tế, hợp lý, hợp lệ các công việc đã thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, Công ty đấu giá xây dựng quy chế đấu giá bỏ phiếu trực tiếp qua 6 vòng bắt buộc từng thửa đất theo phương thức trả giá lên, bước giá là 3 triệu đồng/m2.
Tại vòng 2 trở đi, người tham gia đấu giá có thể viết nội dung "Không tiếp tục trả giá" trên phiếu. Từ vòng 2 trở đi mức giá khởi điểm của vòng đấu giá là mức giá trả cao nhất tại vòng trước liền kề.
Người trả cao nhất tại vòng 6 (vòng cuối) là người trúng đấu giá; Tại vòng 6 nếu khách hàng ghi vào phiếu "Không tiếp tục trả giá" thì thửa đất đó không được bán. Quy tắc trên được niêm yết công khai, bán hồ sơ, thu tiền đặt cọc của khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.
VKS xác định, hành vi của các bị cáo trong vụ án làm hỏng phiên đấu giá vi phạm Luật đấu giá tài sản, gây thiệt hại cho Công ty đấu giá hơn 252 triệu đồng và cho 230 người mua hồ sơ tham gia đấu giá hơn 165 triệu đồng.
Từ bàn bạc tỉ mỉ đến sợ hãi đầu thú
Tháng 11/2024, khi biết việc trên, Phạm Ngọc Tuấn (SN 1991) rủ Ngô Văn Dương (SN 1994), cùng ở Đông Anh, Hà Nội) cùng chung vốn đầu tư.
Tuấn nhờ Dương tìm thêm 5 người khác cùng gia đấu giá gồm: Nguyễn Thị Quỳnh Liên (SN 1981), Nguyễn Thế Quân (SN 1994), Nguyễn Thế Trung (SN 1994) đều trú huyện Đông Anh và Nguyễn Đức Thành (SN 1992, trú tỉnh Bắc Ninh) cùng góp tiền, đứng tên đăng ký hồ sơ đấu giá.
Dương lập nhóm "Đấu Giá" trên Zalo để nhắn tin trao đổi nội dung liên quan đến đấu giá đất tại huyện Sóc Sơn.
Ngày 26/11/2024, Tuấn mua 58 bộ hồ sơ đấu giá với giá 200.000 đồng/bộ (mỗi bộ hồ sơ tương ứng với 1 thửa đất) rồi hướng dẫn 6 đối tượng chia nhau hoàn thiện hồ sơ.
Theo quy định, khách hàng đăng ký đấu giá phải đặt cọc bằng 20% giá tối thiểu từng thửa đất. Do vậy,các đối tượng cùng góp chung tiền đưa cho Phạm Ngọc Tuấn để chi phí tham gia đấu giá.

5/6 đối tượng trong vụ án. Dự kiến ngày 6/3 tới, TAND Tp.Hà Nội sẽ đưa phiên tòa ra xét xử.
Trong đó, Nguyễn Đức Thành, Phạm Ngọc Tuấn góp nhiều nhất là 1,8 tỷ đồng, tiếp theo là Ngô Văn Dương 825 triệu đồng,… Dương ghi vào tờ giấy A4 thể hiện số tiền đóng góp của từng người. Sau khi góp, Tuấn chuyển 3,6 tỷ đồng đến Công ty đấu giá để đặt cọc đấu giá 58 thửa đất.
Do có kinh nghiệm trong thẩm định và đấu giá đất nên Tuấn tìm hiểu thông tin 58 thửa đất, xác định giá trị từng thửa đất, nghiên cứu quy chế đấu giá sau đó soạn bảng thống kê thông tin chi tiết các thửa đất, tên 6 người đăng ký và giá tối đa cần trả của từng thửa đất.
Theo cách tính của Tuấn thì giá có thể mua được các thửa đất thấp nhất là hơn 23,4 triệu đồng/m2, cao nhất là 32,4 triệu đồng/m2. Sau đó cả nhóm hẹn gặp nhau tại quán cà phê trên địa bàn quận Long Biên. Tại đây, Tuấn hướng dẫn các đối tượng cách thức tham gia đấu giá.
Cụ thể, từ vòng 1 đến vòng 3, vẫn trả mức giá bình thường. Đến vòng 4 nếu người khác (không phải người trong nhóm) trả giá cao nhất, nhưng dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính thì mới tham gia đấu giá tiếp nhưng không được vượt quá giá do Tuấn đã ấn định.
Nếu ở vòng thứ 4 mà có người khác trả giá vượt mức giá tối đa do Tuấn ấn định trước thì nhóm của Tuấn sẽ trả giá cao bất thường tại vòng 5. Đến vòng 6 thì tất cả đều ghi "Không tiếp tục trả giá", mục đích để phá cuộc đấu giá.
Nếu "kịch bản" như vậy sẽ làm cho phiên đấu giá không thành mà vẫn không vi phạm quy chế và không bị mất tiền đặt cọc, buộc phiên đấu giá phải tổ chức đấu giá lại.
Ngày 29/11/2024, cả nhóm lên đường tham gia đấu giá. Tuấn đưa cho các đối tượng mỗi người 1 bảng giá tham khảo đối với từng thửa đất do Tuấn đã soạn từ trước.
Các đối tượng tiếp tục bàn bạc, thống nhất cách thức trả giá, thời điểm nâng giá cao bất thường như nội dung đã thống nhất từ trước nhằm mục đích phải dừng phiên đấu giá và buộc phải tổ chức đấu giá lại lần sau do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế.
Mục đích của việc phá cuộc đấu giá để giảm bớt người tham gia đấu giá lại lần sau và khi đó nhóm của Tuấn sẽ có cơ hội đấu giá để mua được những thửa đất như giá mong muốn.
Khi tham gia đến vòng 3 thấy những người khác đấu trả giá vượt mức tối đa mà Tuấn đã ấn định, nên trong thời gian kiểm duyệt phiếu ở vòng 4, cả nhóm hẹn nhau ra khu vực nhà vệ sinh để bàn bạc cách thức trả giá ở vòng 5.
Các đối tượng thống nhất, vòng 5 tất cả sẽ không tham gia đấu giá 22 thửa đất mà chỉ tham gia đấu giá 36 thửa với cách thức sẽ đưa ra giá tới 100 - 200 triệu đồng/m2, còn Tuấn sẽ đưa ra giá 30 tỷ đồng/m2. Đến vòng thứ 6, nhóm của Tuấn sẽ không tiếp tục trả giá và đạt mục đích để phá cuộc đấu giá.
Chiều 30/11/2024, thấy dư luận báo chí đưa nhiều tin bài viết về cuộc đấu giá nên Dương xóa nhóm zalo. Tối cùng ngày, các đối tượng tập trung nhà Dương để bàn bạc tiêu hủy chứng cứ và đối phó với cơ quan chức năng.
Ngày 2/12/2024, nhận thấy mình vi phạm pháp luật nên Ngô Văn Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Liên đến Công an Tp.Hà Nội đầu thú. Sau đó, Cơ quan điều tra tiến hành bắt khẩn cấp các đối tượng còn lại.