Loại bỏ ngay các biển báo giao thông không cần thiết. Ông yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì cùng Bộ Công an tổng rà soát, giải quyết những bất cập trong hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, bãi đỗ xe...
Tôi, một người cũng lái xe không chuyên nghiệp, tức không lái xe lấy lương, mà lái xe của mình cũng đã hơn mười năm, rất thích lái xe trên đường, đã cũng sung sướng viết trên facebook cá nhân: "Nói thật, lái xe 10 năm nay, lâu nay đã nhiều lần thắc mắc về những vô lý của các biển báo trên đường, nhiều lắm ấy, nhưng quả là, chưa đụng đến ví chưa sợ. Từ ngày có món 168, một lỗi nhẹ là bay tháng lương (hưu) chưa kể bị trừ điểm, lái xe cứ sợ vãi các cái ra, biết biển báo, đèn báo có thế này thế kia, nhưng được vạ thì má sưng. Người làm ra biển và người canh để phạt nó khác nhau, làm gì nhau tốt phỏng ạ?
Nhưng muốn sửa thì đề nghị các ông bà phải trực tiếp lái xe đi ạ, chứ ví dụ: Vừa hết đô thị, chơi cái biển 60, ơ thế sao lại phải phí 1 biển thế, rồi vừa hết 60 lại vạch liền có biển cấm vượt. Rồi chưa kể đô thị đang đường đôi (được chạy 60), cắt đi một đoạn dải phân cách cứng, không nhanh chân phanh dúi dụi xuống 50km/h là "ăn đòn" ngay, vài chục mét lại dải phân cách, lại lên 60...
Còn chuyện biển báo, cả cắm ven đường và trên long môn mà chữ nhiều như sớ và li ti như kiến thì còn vô kể nữa.
Còn nữa, chả biết vô tình hay hữu ý, các biển báo cũng... núp lùm như ai đó.
Tóm lại, gỡ hết bẫy trên đường cho dân nhờ ạ. Kêu mãi rồi cũng tới... "thiên đình".
Thì đúng là, lâu nay lái xe trên đường, tôi hay gặp những biển báo rất vô lý, những biển báo không thể đọc được nếu không dừng xe, xuống xe, lại gần biển, căng mắt ra đọc mới rõ chữ và cả hiểu chữ, rồi mới lên xe chạy tiếp. Và chúng ta thử hình dung chuyện gì sẽ xảy ra nếu ai cũng làm thế.

Ảnh minh họa.
Xưa, dân lái cũng chưa sợ lắm, bởi tiền phạt còn nhẹ, ít camera phạt nguội, còn đa phần thì phạt nóng. Phạt nóng thì có cách xử lý... nóng, nên mới có chuyện các xe tải, xe khách, tức xe chuyên nghiệp gặp nhau, họ đều nhá đèn. Chào nhau thì ít, là báo hiệu là chủ yếu đấy ạ. Phải cùng lái đường dài, lái chuyên nghiệp mới hiểu, ấy là họ báo nhau phía trước có chốt giao thông hay không? Còn nếu vẫn bị vẫy thì cũng có cách để mức phạt... thấp nhất, và cùng lắm, khi vẫn bị phạt có biên bản thì mức phạt cũng... chịu được.
Giờ có món 168, tức nghị định 168 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ với mức phạt rất cao, cao kinh khủng, cao chóng mặt..., thì anh em lái xe mới nháo nhác, và mới cần một sự rành mạch, sòng phẳng của các biển báo giao thông trên đường.
Và mới phát hiện, té ra nó rất nhiều chuyện để nói.
Rất nhiều biển báo vô tội vạ và lãng phí. Và cả phản khoa học nữa, kiểu như đèn đỏ cho rẽ phải nhưng không có đường cho xe rẽ phải vào, bị các xe đi thẳng và rẽ trái chiếm đường. Ví như tôi dẫn phía trên, vừa hết đô thị thì tới biển báo hạn chế tốc độ 60, rồi vừa hết 60 thì đến đường vạch liền với biển cấm vượt, rồi tới trường học, đột ngột xuống 30... lái xe luôn phải căng như dây đàn. Thời gian gần đây rất nhiều vụ người tham gia giao thông hay tẩn nhau, có thể có một phần nguyên nhân là ở đây chăng?
Chưa kể bên dưới cái biển chính còn cái biển phụ, chữ đen vừa bé vừa rất nhiều chi chít, mà lái xe thì phải tập trung nhìn đường, mà xe thì đang chạy, làm sao mà đọc. Hôm rồi tôi đi Đắk Nông theo đường 14, tức đường Hồ Chí Minh, tôi phải rủ thêm một ông bạn đi cùng chỉ để chuyên việc... đọc biển, nhưng cũng có nhiều biển chịu, không thể đọc được, bèn phải đi... mò, ví như cái biển to là 50, phía dưới gần chục hàng chữ đen giải thích là từ giờ ấy tới giờ ấy, rồi lại từ giờ ấy tới giờ ấy, rồi lại từ giờ ấy tới giờ ấy... thì phải chạy tốc độ 50, thì thôi, để yên lành, bèn cứ 50km/h mà chạy.
Vấn đề là, ngoài chuyện nó gây ức chế cho người lái xe, rất dễ gây ra các sự cố ngoài ý muốn, thì nó gây lãng phí khủng khiếp cho xã hội. Lãng phí từ những cái biển báo nhưng không đọc được, hoặc trùng nhau, hoặc vô lý, lãng phí tới tốc độ xe, tới nhiên liệu, thời gian xã hội...
Lại nhớ thời ông bộ trưởng giao thông cũ, ổng đi trên đường, thấy dân phản ánh những cái biển báo giao thông vô lý, như kiểu cách khu dân cư cách mấy cây số, đường trống trơn, vắng hoe vắng hoắt, nhất là ở nông thôn, nhưng đã cắm biển đô thị rồi, ông chỉ đạo ngay: nhổ ngay mấy cái biển ấy, cho mấy bà đồng nát. Và hồi ấy người ta đã rầm rộ làm cái việc là nhổ những cái biển ấy, mang vào đúng chỗ là đô thị, tức có dân, có phố để cắm.
Giờ, lái xe trên đường, nhiều lúc tôi vẫn ngạc nhiên, đường trống trơn, chả có dân và nhà, vẫn có những biển báo đô thị, tức là phải hạn chế tốc độ xuống 50km/h. Chắc sau thời ông bộ trưởng kia, người ta đã kịp cắm lại.
Biển báo giao thông mục đích chính là để hướng dẫn người tham gia giao thông, và những người ấy thì đang lái xe chạy trên đường, có khi tốc độ lên tới cả trăm km/h, nên nó phải hết sức khoa học, đầu tiên là phải làm sao người ta đọc được, và sau nữa là phải để người ta thực hiện, xử lý được trong thời gian có thể, chứ không thể cồng kềnh như mấy ông ngồi đánh cờ uống trà..., rồi còn phải phù hợp rất nhiều yếu tố nữa, nó phải vừa sát với thực tế lại là sự nghiên cứu khoa học quy luật, từ sức khỏe, tầm mắt tới thao tác thực hiện và sự tác động tới hiện trường lúc ấy tới lợi ích xã hội vân vân...
Chưa kể, ngay các đèn tín hiệu giao thông, nhiều nơi chúng... thích gì nhảy nấy, và cảnh sát giao thông thì cứ... theo luật mà làm. Trước, chưa có phạt nguội thì còn có thể trình bày trực tiếp với cảnh sát hiện trường, giờ thì cứ hình ảnh trên camera mà thực thi. Nên sau khi cục Cảnh sát giao thông yêu cầu rà soát tổng thể hệ thống đèn tín hiệu thì đến cục Đường bộ Việt Nam cũng phải yêu cầu các Sở Giao thông vận tải, các khu Quản lý đường bộ, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đường bộ rà soát, sửa chữa, nâng cấp đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn quản lý.
Nên khi phó thủ tướng phải ra "chỉ lệnh" như thế, tức là tình hình đã rất... tình hình rồi.
Và chúng ta lại phải vẫn phải vừa lái xe vừa dè chừng, bởi nghị định 168 vẫn phải được thực thi, và việc chấn chỉnh, rà soát hệ thống biển báo cũng đang tiếp tục...
* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!