Trên mái nhà, ông đặt chơ vơ một chiếc bình và một chiếc tĩnh. Ông giải thích nguồn cội của kiểu trang trí độc đáo này: "Hai vật đó luôn được tôi đặt bên nhau. Một chiếc là bình, một chiếc là tĩnh. Gộp lại là "bình tĩnh". Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng nó là vật biểu tượng cho triết lý sống của tôi. Luôn bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh". Triết lý nhân sinh một đời của ông Hai Chung cũng như cách sống chất phác của những cư dân sống quanh năm bên đồng ruộng, làm gì ăn nấy, nghĩ sao sống vậy, thuần chất một phương như cái lúa ngoài đồng. Chúng tôi tìm về Tiền Giang để tìm gặp "ông vua lúa giống" từng vang danh quốc tế từ 7 hạt thóc cùng bí quyết giữ gìn hạnh phúc sau ngày ông... “lập phòng nhì”.
Chuyện tình đắng của anh trai nghèo
Sinh ra trong gia đình nông dân, cha theo cách mạng, những tháng ngày đầu đời của ông Hai Chung rất khổ cực. Nghèo gieo rắc vào cuộc sống của ông biết bao thương tổn kể từ thuở còn trai trẻ. Ông kể: "Thời trai trẻ, tôi cũng làm thuê làm mướn đủ đường và lăn lóc vào cuộc sống bằng hai bàn tay trắng. Cha theo cách Mạng, nhà không khi nào yên với bè lũ cướp nước, làm gì cũng khó thế nên tôi nghèo. Cái nghèo ngăn trở con người ta đủ kiểu trong đó có chuyện tình duyên".
Cũng như bao thanh niên, trai tráng một thời mưa bom lửa đạn, những rung động đầu đời cũng sống dậy từ khi ông còn là "thằng trai" mười tám, đôi mươi. Ông kể: "Hồi ấy, trai gái thương thầm nhớ trộm chứ không như bây giờ. Tôi nhớ lúc mình 17 - 18 tuổi đã biết thẹn thùng, lúng túng khi đối diện với người con gái tôi thương. Khi ấy, tôi cũng quen biết với con gái của một gia đình khá giả sống cùng ấp. Hai đứa qua lại lâu dần cũng mến tay mến chân. Vì lăn lộn vào đời sớm, gia đình cũng muốn tôi sớm cưới vợ để yên bề làm ăn. Những tưởng tình đầu là tình đẹp nhất, thế mà không ngờ đấy lại là nỗi buồn tủi của một thời trai trẻ".
Ông nhớ lại ngày ấy, ngày gia đình ông mang rượu sang nhà cô gái dạm hỏi với ngập tràn hy vọng về tương lai có người bạn đời yêu thương đồng lòng xây dựng gia đình. Thế nhưng, hy vọng nhiều, thất vọng bấy nhiêu, rồi bất chợt biến thành nỗi buồn đau chia cắt. Gia đình nhà gái quyết định không gả con gái vào làm dâu trong nhà anh trai nghèo bần cùng.
"Ông vua lúa giống đất Việt" khẳng định: "Thời ấy, lễ giáo, hủ tục còn nặng nề lắm. Đặc biệt là chuyện môn đăng hộ đối và thách cưới. Khi ấy, gia đình tôi không thỏa được những điều kiện thách cưới của nhà gái. Hơn nữa, tôi cũng biết họ sẽ chẳng thể cho con gái của mình làm vợ thằng bần cùng. Biết vậy, hiểu vậy, tôi đành ngậm ngùi chia tay người con gái mình thương ở những năm đầu đời".
Ông Vua lúa giống hạnh phúc bên 2 bà vợ (Ảnh: Tư liệu do nhân vật cung cấp).
Tuy nhiên, từ niềm đau duyên tình ấy đã biến ông thành một con người mới. "Vua lúa giống" chia sẻ: "Lúc ấy, tôi như sụp đổ, muốn bỏ rơi, buông xuôi tất cả. Nhưng tôi tự dặn lòng phải bình tĩnh mà suy xét để phân biệt cho rõ, cho đúng những suy nghĩ và hành động của mình để tránh quyết định sai lầm. Tôi đã làm theo như vậy. Đến bây giờ, hai chữ bình tĩnh vẫn là triết lý sống của tôi và chưa bao giờ thấy nó sai".
Với ông, hai chữ bình tĩnh đã cho ông rất nhiều. Ông nói: "Từ bình tĩnh ta có thời gian suy xét kỹ càng nên ta thông thái. Từ bình tĩnh, ta có thời gian mà suy ngẫm phải, trái, cái tình, cái lý nên ta có độ lượng, có công bằng. Và từ sự công bằng, độ lượng, ông cưới được 2 người vợ, giữ gìn được cuộc sống hạnh phúc cho đến khi cả 3 người đều đã "đầu bạc, răng long".
"Tôi phải là cái cân tiểu ly"
Sau nỗi đau từ cuộc tình có duyên không phận, Hai Chung dìm sâu nỗi buồn dưới ao sâu, ruộng dài. Ông làm đêm làm ngày, quyết tâm giàu trên mảnh đất, thửa ruộng quê hương. Từ chỗ "không có cục đất chọi chim", ông mua được ruộng, xây được nhà. Và rồi, ông Hai Chung cũng có thể ngẩng cao đầu mà đi cưới vợ, không chỉ một mà đến hai vợ. Cho đến nay, việc ông lập phòng nhì thành công và giữ trọn hạnh phúc với hai người vợ hiện đến khi đầu đã bạc vẫn là chuyện xưa nay hiếm.
Thông tin về nguyên nhân lập phòng nhì, ông Hai Chung cho biết: "Tôi sống trong thời chế độ cũ thiếu quân, thiếu lính. Vì đang đi học nên chúng không bắt tôi nhập ngũ, nhưng khi tôi nghỉ học về cày sâu cuốc bẫm, chúng lại đòi tôi sung quân. Để không đầu quân cho giặc, gia đình yêu cầu tôi gấp rút lấy thêm vợ, sinh thêm con. Thời ấy, ai có 6 con thì không phải đi lính". Gia đình đã chọn sẵn cho ông cô gái Đoàn Thị Tư kém ông 7 tuổi nổi tiếng nết na, thùy mị. Cưới xong, ông chung sống hạnh phúc cùng với cả hai bà. Chia sẻ về điều ít ai làm được mà ông đã thành công, "vua lúa giống" tâm sự. "Ngày quyết định lấy vợ hai chính tôi cũng băn khoăn, trăn trở lắm nếu mình không khéo thì hạnh phúc gia đình sẽ tan nát. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, với 2 người vợ, tôi phải là cái cân tiểu ly".
Kể về cuộc sống của "cái cân tiểu ly" ông nói: "Ngay ngày đầu, sau lễ thành hôn, đêm động phòng, tôi không ngủ lại phòng người vợ mới mà vẫn sang phòng người vợ đầu. Liên tục như thế nhiều tuần liền. Tôi vẫn như vậy, cho đến khi bà cả thông cảm với bà hai và chủ động khuyên tôi nên qua ở với người vợ mới cưới. Tôi còn nhớ bà ấy khuyên tôi rằng: "Cha con Hai nên qua bà hai đi. Thà không cưới thì thôi, cha nó đã cưới người ta rồi đừng lạnh lùng thế làm khổ em nó". Cảm kích trước tấm lòng của vợ, thế nhưng ông Hai Chung vẫn ngủ lại nơi bà vợ cả. Ông tự nhận đó là cách ông phạt mình, tự trách mình và tôn trọng người vợ cả.
"Từ ngày cưới bà hai, tôi luôn quan niệm rằng mình phải là cái cân tiểu ly. Tôi đứng giữa nhưng không có chuyện yêu ai, ghét ai. Tôi luôn dặn mình phải công bằng. Mình phải là người phân định đúng sai. Ai đúng mình ủng hộ, ai sai nhất định phải chỉ ra cái sai để sửa. Đặc biệt, tôi không bao giờ biểu hiện thương ai, ghét ai hơn, tôi luôn cố gắng là người đứng giữa. Cũng may, hai bà ấy hiểu và thông cảm cho tôi rất nhiều. Thế nên, cho tới bây giờ cơm vẫn lành canh vẫn ngọt", ông cười.
Khẳng định thông tin trên, bà Đoàn Thị Tư, người vợ thứ hai của ông cho biết: "Từ ngày bà cả chấp nhận chuyện tôi về làm hai, tôi vẫn sống cùng ông và bà ấy trong căn nhà này và chưa bao giờ giữa chúng tôi có xích mích. Chúng tôi vẫn trò chuyện tâm tình cùng nhau như hai chị em ruột thịt. Khi đau ốm cũng như lúc mang nặng đẻ đau, chúng tôi đều chăm sóc lẫn nhau. Cả hai vẫn cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con cái để ông nhà yên tâm làm việc. Nói chung cho đến nay, gia đình vẫn yên vui và chưa từng có chuyện xích mích, sứt mẻ".
Lên ngôi "vua lúa giống" từ 7 hạt thóc Chia sẻ về danh hiệu "vua lúa giống", ông Võ Văn Chung cho biết: "Những năm 1977-1978, dịch rầy nâu hoành hành khắp các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. GS-TS Võ Tòng Xuân (đại học Cần Thơ) cất công sang Viện lúa IRI của Philippines mang giống lúa IR36 về trồng thử nghiệm nên tôi đi đến đại học Cần Thơ xin lúa giống về trồng thử. Nhưng khi xuống đến nơi, lúa giống đã phân phát hết. Tôi cố nài, ông Xuân đích thân lục hết bao này đến bao khác nhưng giũ mãi cả đống bao mới rớt ra 8 hạt lúa. Tôi đem 8 hạt này về ươm trong chậu cảnh do bất cẩn bị gà ăn mất 1 hạt. Và từ 7 hạt lúa này, trong giai đoạn khó khăn của ngành lúa nước, tôi đã có 60 tấn lúa giống với ưu điểm vượt trội. 60 tấn lúa giống lúc đó quý hơn 60 tấn vàng nhưng tôi không đem bán mà phân phát cho bà con. Từ đó bà con đặt cho tôi biệt danh "ông vua lúa giống” luôn. |
Hà Nguyễn