Tiếng cồng chiêng giữ hồn núi
Kôn Clon (tiếng Bana có nghĩa là Núi Đá), người Việt gọi là hòn La Hiên có độ cao 1.020m, dưới chân núi là các ngôi làng Xí, làng Thoại, làng Đồng… của người Ba Na sinh sống. Cung đường đầy đá sỏi gập ghềnh, bụi mịt mù trong mùa khô nắng cháy. Một đêm ở lại làng Xí Thoại đã giúp những du khách hiểu thêm về bộ nhạc cụ trứ danh trống đôi – cồng ba – chiêng năm của người bản địa.
Ngồi quanh choé rượu cần bên ánh lửa bập bùng, già La Chí Thái đã qua tuổi 70 nhưng vẫn vững tay cùng nhịp trống đôi, cho biết: “Trống đôi – cồng ba – chiêng năm là sự pha trộn nhịp nhàng của tiếng trống theo điệu cồng chiêng âm vang. Các âm thanh trống – cồng – chiêng bổ sung, tương tác tạo thành một nhịp điệu hoàn chỉnh, tròn vẹn. Trong bộ cồng chiêng, tiếng trống giữ vai trò quan trọng nhất”. Đêm về khuya, già La Chí Thái lại dẫn dắt những khách phương xa sang một huyền thoại khác mà chúng tôi muốn hướng đến, đỉnh Kôn Clon. Già chậm rãi kể: “Thời giặc giã, các gộp đá trên đỉnh Kôn Clon chở che cho dân làng quanh chân núi, tương truyền ngày xưa vị anh hùng Võ Trứ khi làm cuộc khởi nghĩa ở Phú Yên năm 1898 cũng từng lấy các gộp đá trên đỉnh Kôn Clon làm nơi ẩn náu của nghĩa quân. Ngày nay, nhiều người làng vẫn gọi nơi đó là hang Võ Trứ”.
Chạm mặt huyền thoại
Hôm sau, chúng tôi khởi hành sớm đến làng Đồng, bắt đầu cuộc hành trình chinh phục đỉnh Kôn Clon. Đồng hành cùng chúng tôi có già Măng Cư. Thời chiến tranh, già Măng Cư đã từng lấy gộp đá trên đỉnh Kôn Clon làm nơi trú ẩn.
Con đường mòn lên đỉnh từ lâu vắng người qua lại bị dây rừng, cỏ cây phủ kín. Càng lên cao, nắng gay gắt hơn, những chai nước cạn dần, bước chân bắt đầu chồn gối khi độ dốc ngày càng đứng, bước chân lên mà như phải bò. Chúng tôi tiến lên đỉnh Kôn Clon trong hồi hộp, mệt mỏi và căng thẳng, bởi chỉ một cú trượt chân, độ dốc cao sẽ là một mối nguy hiểm lớn đến tính mạng.
Gần ba giờ bám mặt vào sườn núi, chứng kiến hàng chục phiến đá khổng lồ như toà nhà hai tầng chèn lên nhau, tạo thành những hốc nhỏ liên hoàn, cuối cùng chúng tôi đã đến đỉnh Kôn Clon.
Bao mệt nhọc tan biến, tất cả nhường chỗ cho trí tò mò đến kinh ngạc. Những phiến đá xếp nhau không theo một trật tự nhất định, tạo thành vô số những lỗ hổng tiếp từ phiến đá này sang phiến đá khác. Có chỗ ngách hẹp đủ một người chui qua, nhưng vào trong lại là một không gian mở toang như căn phòng bí mật chứa được cả chục người. Càng xuống sâu, nhiệt độ thấp dần, hơi ẩm của đá núi toát ra làm lạnh cả sống lưng. Chẳng thế mà xưa kia, gộp đá này trở thành nơi ẩn náu của dân làng mà bên ngoài không cách gì phá sập được. Già Cư cho biết có thời kỳ dân làng ở sâu trong gộp đá hàng tháng trời tránh giặc, men theo hàng trăm mét hang sâu tìm nguồn nước, đêm ra hái lá rừng cầm hơi.
Với người dân quanh vùng, đỉnh Kôn Clon từng chở che, bao bọc, cứu sống dân làng để có được sự trù phú, sung túc như hôm nay.
Theo Nguyễn Đình (Sài Gòn tiếp thị)
du khách