"Vừng ơi mở cửa" - một chương trình nghệ thuật đặc biệt được xây dựng bởi những cựu sinh viên hiện đã là những nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ. Kể về ý tưởng thực hiện chương trình này, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ, trong một lần tình cờ dọn nhà, tập thơ viết tay từ thời sinh viên bất ngờ rơi ra. Lúc đó, nhà báo chụp lại bức ảnh "cúng facebook". Rồi, ý tưởng tổ chức buổi hội ngộ và xuất bản lại tập thơ được nhen nhóm.
Và rồi, đêm 7/12 vừa qua, “Vừng ơi mở cửa” đã mở. Cuộc hội ngộ đầy xúc động của các thế hệ sinh viên Văn khoa diễn ra đúng vào đêm lạnh đầu đông. Cái lạnh tê tái cùng cơn mưa bay giăng kín bầu trời đêm 7/12 chẳng thể cản được những bước chân những người yêu văn, yêu thơ tìm về với KTX Mễ Trì. Chính cái lạnh đầu đông ấy lại càng khiến cho lòng người thêm ấm áp khi nghe những bài thơ, những “huyền thoại” một thời ở “xứ” “dị nhân” văn thơ này. Kỉ niệm một thời ùa về qua những bài thơ từng làm điên đảo biết bao cô nàng, anh chàng nay một lần nữa được cất lên một cách “hào sảng”. Chủ nhân của những bài thơ thấy đã lắm, bởi 30 năm qua giờ “đứa con tinh thần” một thời mơ mộng được trở lại trong đời sống văn hóa.
Các thế hệ sinh viên Văn khoa được sống những năm tháng sinh hoạt thơ sôi nổi. Khi được chia sẻ về những năm tháng ấy, một cựu sinh viên bồi hồi nhớ lại ngày đầu nhập trường vừa nhập học xong thì có ông anh kéo vào đọc thơ rồi “chinh chiến” khắp các “mặt trận” CLB khác, một cựu sinh viên khác lại tự nhận mình là người nghe đọc thơ nhiều nhất không thiếu buổi nào… Rồi những mối tình thơ, những nàng thơ… 30 năm qua tưởng như đã ngủ vùi nay được “mở cửa” trong đêm “vừng ơi”. Những năm tháng đó còn có thế hệ các chàng trai Văn khoa: Hoàng Nhuận Cầm, Phùng Huy Thịnh… rời ghế đại học bước vào chiến trường khốc liệt.
Hay có anh chàng chẳng phải sinh viên Văn khoa nhưng yêu thơ mà đến với Mễ Trì hàng đêm như kiến trúc sư, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến. Còn nhiều, còn nhiều những cựu sinh viên khác, mỗi người lưu giữ trong mình kỷ niệm với KTX Mễ Trì, với CLB thơ, với Văn khoa. Đêm “vừng ơi mở cửa” đã về khuya lắm rồi, những hạt mưa dần chuyển sang nặng hạt hơn thế nhưng ai nấy vẫn đều đắm mình trong những câu thơ mà… lâu, lâu lắm rồi mới nghe lại.
Và với nhiều sinh viên khoa Văn đang học tập, “Vừng ơi mở cửa” không chỉ đơn thuần là gặp gỡ và giao lưu nghệ thuật mà trở thành một đêm “nhóm lửa” khơi dậy hào khí văn thơ của khoa Ngữ Văn xưa và khoa Văn học nay. Mong rằng đêm “vừng ơi” hôm nay khép lại nhưng sẽ mở ra những đêm “vừng ơi” khác.
Phong Linh