“Vượt mặt” bộ GTVT, VEC chia các “miếng bánh ngon” trên cao tốc thế nào?

“Vượt mặt” bộ GTVT, VEC chia các “miếng bánh ngon” trên cao tốc thế nào?

Bùi Thế Anh

Bùi Thế Anh

Thứ 2, 22/10/2018 20:42

Trong khi những hư hỏng xảy ra trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sau một thời gian khai thác sử dụng vẫn chưa hết “nóng” thì hàng loạt những sai phạm của tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) liên tiếp được chỉ ra khiến cho dư luận bức xúc.

Lộ hàng loạt sai phạm?      

Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, mới đây nhất văn bản số 1260 của VEC báo cáo về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác đã nêu ra hàng loạt những sai phạm của lãnh đạo VEC trong khoảng thời gian 2011 – 2016.

Điều khiến dư luận bức xúc tại văn bản này, do ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC ký nêu rõ: Phòng thẩm định VEC và ban QL dự án các đường cao tốc phía bắc (NEPMU) do VEC làm chủ đầu tư đã làm việc tại hiện trường từ tháng 6 đến tháng 7/2018, rà soát tất cả 8/8 dự án trạm dừng nghỉ.

Tin nhanh - “Vượt mặt” bộ GTVT, VEC chia các “miếng bánh ngon” trên cao tốc thế nào?

Trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Sau khi rà soát lại toàn bộ quy trình đầu tư 8 dự án trên đã phát hiện ra những sai phạm nghiêm trọng của nhà đầu tư như: Nhà đầu tư chưa tuân thủ thiết kế cơ sở được duyệt. Đa phần việc chỉ định thầu các dự án trạm dừng nghỉ xuất phát từ đề xuất của ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc VEC. Sau đó được Hội đồng thành viên VEC (nhiệm kỳ 2011-2016) xem xét, chấp thuận chủ trương đơn vị thực hiện.

Đặc biệt, đối với dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, lãnh đạo VEC nhiệm kỳ 2011-2016 đề xuất định thầu cho công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, bộ Quốc phòng (đây là công ty của Đinh Ngọc Hệ - tức "Út trọc") tại văn bản số 1065/VEC-KHĐT ngày 8/4/2015.

Sau một thời gian dài triển khai thực hiện dự án, công ty Thái Sơn đã không đáp ứng được tiến độ, chậm trễ trong việc thi công xây dựng (giai đoạn 1 chậm tới 17 tháng, giai đoạn 2 chưa triển khai.

Tin nhanh - “Vượt mặt” bộ GTVT, VEC chia các “miếng bánh ngon” trên cao tốc thế nào? (Hình 2).

Văn bản nêu rõ, công ty Thái Sơn không có động thái tích cực triển khai các hạng mục chính.

Đáng lo ngại, công ty Thái Sơn không có động thái tích cực triển khai các hạng mục chính như: Tổ hợp nhà hàng, dịch vụ, văn phòng quản lý, cứu hộ giao thông, khu vui chơi. Qua đó, đến ngày 8/5/2018, VEC đã có văn bản số 1228/VEC-QLKT buộc chấm dứt hợp đồng với công ty Thái Sơn tại trạm dừng nghỉ tại Km 41+100 cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành - Dầu Giây.

Đáng chú nhất, Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám còn chỉ ra, nghi án ban lãnh đạo VEC nhiệm kỳ 2011-2016 ký kết trao các “miếng bánh” trạm dừng nghỉ cho nhà đầu tư mà chưa được bộ GTVT uỷ quyền.

Ông Tám đưa ra căn cứ: “Trên cơ sở xem xét hợp đồng các trạm dừng nghỉ đã ký kết và căn cứ vào các quy định của pháp luật về hợp đồng, có thể thấy các hợp đồng ký kết giữa VEC và nhà đầu tư không xác định rõ hình thức BOT hoặc BCC. Các hợp đồng đều không có bảo lãnh thực hiện hợp đồng và không có điều khoản để VEC can thiệp, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện khi không có bảo lãnh ngân hàng”.

Nhiều “thất thoát”???...

Nghiêm trọng hơn, đối với hợp đồng BCC (hợp tác kinh doanh), khoản 16 Điều 3, luật Đầu tư số 59/2005/QH11 quy định: Hình thức đầu tư được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân.

“Khi đối chiếu với nội dung hợp đồng giữa VEC và các nhà đầu tư không có quy định về việc phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm. Ngoài ra, đối với hợp đồng BOT, các chủ thể ký kết hợp đồng với nhà đầu tư phải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (hoặc cơ quan được uỷ quyền)”, ông Tám khẳng định.

Tin nhanh - “Vượt mặt” bộ GTVT, VEC chia các “miếng bánh ngon” trên cao tốc thế nào? (Hình 3).

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau khi được sửa chữa mặt đường.

Tuy nhiên, các hợp đồng trên đều được ký kết giữa VEC (là doanh nghiệp) và nhà đầu tư mà chưa được bộ Giao thông vận tải (GTVT) uỷ quyền. Trong khi theo luật Đấu thầu số 43/2013 (có hiệu lực từ 1/7/2014), đối với hình thức hợp đồng BOT, phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cũng tại văn bản do Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám ký nêu ra một số vấn đề quan trọng như: Tính đến ngày 11/5/2018, mới có 4/8 nhà đầu tư nộp hồ sơ quyết toán cho VEC.

Trong đó, còn 4 nhà đầu tư chưa nộp hồ sơ quyết toán gồm: Công ty Phước An (trạm Km22+900 tuyến Nội Bài – Lào Cai), công ty Vietbus (trạm Km171+500 tuyến Nội Bài – Lào Cai), công ty Long Hải (trạm Km236+940 tuyến Nội Bài – Lào Cai) và công ty Thái Sơn (trạm Km41+100 tuyến TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây). Các nội dung hồ sơ chưa phù hợp với quy mô xây dựng, thiết kế đã được VEC chấp thuận.

Tại những dự án này, trong quá trình xây dựng, lựa chọn nhà thầu, VEC không tham gia quản lý, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu nên không có cơ sở xác định khối lượng, đơn giá, chủng loại vật tư, thiết bị, biện pháp thi công công trình...

Đến thời điểm hiện tại, một số hạng mục công trình thuộc trạm dừng nghỉ đã được thi công và đưa vào sử dụng nhiều năm nên việc xác định giá trị đầu tư xây dựng ban đầu là rất khó khăn.

“Hơn nữa, VEC không kiểm soát được giá trị đầu vào của chi phí dự toán đấu thầu phần xây lắp, mua sắm... của nhà đầu tư. Vì thế, VEC không đủ cơ sở pháp lý, điều kiện hồ sơ để tổ chức quyết toán công trình với nhà đầu tư”, văn bản nêu rõ.

Thế Anh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.